Trăm năm làng chiếu Định Yên

Làng chiếu Định Yên thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nằm nép mình bên dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng, khiến ai cũng muốn đến khám phá.

Nghề dệt chiếu trở thành nghề thủ công truyền thống, theo hình thức "nối ngôi" đã trải qua trên 100 năm thăng trầm, bền bỉ, lưu truyền cho đến hôm nay. Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng chiếu Định Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân dệt chiếu bằng khung gỗ truyền thống

Chiếu Định Yên nhuộm màu tươi thắm

Lúc nào cũng vậy, hễ ai vừa tới đầu làng chiếu Định Yên sẽ cảm nhận được không khí rộn rã được tạo nên bởi âm thanh đặc trưng của những khung dệt làm ra chiếc chiếu truyền thống mà cha ông đã bao đời truyền lại. Nghề dệt chiếu được truyền nghề trong các hộ gia đình, từ những người có kinh nghiệm hướng dẫn cho con, cháu. Nghề dệt chiếu có lúc thăng trầm nhưng người dân vẫn một lòng bền bỉ "bám trụ" để duy trì và phát triển làng nghề.

Từ những năm 1920, nghề dệt chiếu Định Yên phát triển, nguyên liệu tại chỗ không đủ, phải mua thêm lác chẻ sẵn từ các nơi khác chở đến. Cho đến trước 1954, chiếu Định Yên nhờ chất lượng cao, giá cả vừa phải nên ghe thương hồ chở bán khắp các tỉnh ĐBSCL, lên đến tận Nam Vang (Campuchia).

Các hộ gia đình theo nghề được hỗ trợ đầu tư máy dệt chiếu công nghiệp

Không giống những làng nghề khác ngày càng tàn lụi trước kinh tế thị trường, làng nghề chiếu Định Yên có sức sống mãnh liệt, lưu giữ nét văn hóa của một làng nghề đặc trưng miền sông nước Cửu Long. Những năm gần đây, người dân được Nhà nước hỗ trợ đầu tư những chiếc máy dệt công nghiệp thay sức người nên làng chiếu Định Yên đã "hồi sinh", mang lại cuộc sống sung túc cho những hộ có quyết tâm đeo đuổi nghề dệt chiếu. Bà Huỳnh Thị Muội hơn 35 năm theo nghề dệt chiếu, trải lòng: "Trước đây, chiếu được dệt bằng thủ công phải có hai người, một người đẩy sợi lác vào và một người dập. Tỉ mẩn, chậm chạp, mỗi ngày làm nhanh chỉ được vài ba chiếc đã mệt lả người. Bây giờ, chiếu được dệt bằng máy công nghiệp, chỉ cần một người ngồi ghế đút từng sợi lác vào máy, mỗi ngày máy dệt được hơn chục chiếc".

Điểm khác biệt của chiếc chiếu Định Yên ở chỗ cọng lác được chọn kĩ, nhuộm màu mang đi phơi vừa nắng nên dai, dệt chiếu sẽ bền, sử dụng được lâu. Ngày trước, dệt bằng tay, sợi lác dễ hỏng, giờ chuyển sang dệt máy vừa tiết kiệm được công sức, thời gian vừa tạo thành phẩm chắc, đẹp. 

Cả ba thế hệ trong gia đình bà Hà Thị Hiếu đều theo nghề dệt chiếu. Riêng bà đã gắn bó với nghề ngót hơn 40 năm. Bà Hiếu kể, nghề dệt chiếu thủ công truyền đời, nên tay người Định Yên không ai không nhằng nhịt sẹo do dao, sợi lác cắt xước. Mà nghĩ cũng lạ, bao đời dầm tay trong thứ nước màu nhuộm sền sệt, đôi bàn tay những người phụ nữ ở làng chiếu vẫn giữ nét trẻ trung thời tuổi thanh xuân. 

"Tôi không biết nghề dệt chiếu có từ bao giờ, chỉ biết đời cha mẹ, ông bà nội ngoại đều làm chiếu rồi truyền lại. Con gái trong làng nghề lớn lên mà không biết dệt chiếu là chuyện lạ. Trẻ con còn nhỏ, đi học một buổi, một buổi phụ cha mẹ phơi lác, chùi lác thành thục. Đàn ông thì làm việc nặng dập khung. Phụ nữ chọn lác, phơi, nhuộm, chọn màu. Cả làng lúc nào cũng rực rỡ bởi những sợi lác được nhuộm đủ các loại màu, mang đi phơi nắng từ trong nhà ra ngoài ngõ", tay vừa thoăn thoắt đưa những sợi lác vào khung dệt bà Hiếu vừa kể.

Công đoạn nhuộm lác

Mỗi khi tôi chạy xe máy tới ngõ làng chiếu, điều đầu tiên đập vào mắt là những bó lác được nhuộm màu vàng, đỏ, xanh, tím, trắng… đang phơi nắng cặp lề đường, cảm nhận được mùi lác thơm nồng hương nắng. Nhìn xa xa là hình ảnh những người phụ nữ đang hối hả lựa lác, nhuộm lác, phơi lác tạo nên một bức tranh sinh động đầy sắc màu của làng nghề đang trở lại thời kỳ vàng son. 

Sản phẩm của làng chiếu Định Yên thường có loại chiếu vảy ốc (loại chiếu dày, chắc, bền, ngày trước ưa dùng), chiếu bông (gồm có bông in và bông dệt), chiếu con cờ (có các ô hình vuông như bàn cờ), chiếu trắng (loại trơn, mỏng dùng thông dụng trong mọi gia đình), chiếu lãy chữ (còn gọi là chiếu cổ)… 

Bà Lê Thị Thể là người duy nhất ở làng nghề chiếu Định Yên còn dệt chiếu cổ đã gần 45 năm gắn bó với nghề. Bà Thể cho biết chiếu cổ thường có khổ 0,5-1,5 m, in hoa văn khi dệt phải lãy chữ cho khéo léo. Loại chiếu này dùng trải trên bàn thờ hay đặt giữa bộ ván ngựa để dọn mâm cỗ cúng kiến ông bà, tổ tiên trong ngày giỗ, cưới hỏi, tết.

Trong làng ai cũng biết đến chiếc chiếu cổ nhưng để dệt ra mỗi chiếc chiếu thật lắm công phu, tốn nhiều thời gian nên ít người chịu dệt. Dệt chiếu cổ khó nhất là kỹ thuật lãy chữ sao cho hiện chữ đẹp, bền và chỉ dệt bằng khung gỗ truyền thống. Có một thời kỳ chiếu cổ không tìm được đầu ra, bà Thể phải bỏ nghề một thời gian. Sau đó bà vẫn quay trở lại với nghề dệt chiếu cổ để giữ nghề, góp phần làm nên nét đẹp quê hương Định Yên. "Từ nhỏ, tôi theo mẹ dệt chiếu cổ, rồi xin mẹ nối ngôi. Khi mẹ qua đời, tôi vẫn theo nghề dệt chiếu cổ. Bây giờ, chiếu cổ của tôi dệt ra tới đâu bán hết tới đó, khách hàng muốn mua phải đặt trước vài ngày. Tôi đã truyền nghề dệt chiếu cổ lại cho con gái, cháu ngoại tiếp tục giữ lửa nghề", bà Thể lúc nào cũng nặng nợ với nghề dệt chiếu cổ.

"Chợ ma" - vang bóng một thời

Tôi vừa ghé vào làng chiếu Định Yên, chị Huỳnh Thị Quen đang tất bật dệt chiếu xởi lởi bằng hai câu ca dao: "Định Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm". Câu ca dao được truyền tụng từ bao đời ở làng chiếu Định Yên, đã phần nào minh chứng cho sự hưng thịnh một thời của làng chiếu đã tồn tại hơn một thế kỷ. 

Thuở nhỏ, tôi được cha mẹ kể về "chợ ma", mà chỉ nghe đến cái tên đã có cảm giác rùng mình. "Chợ ma" hay còn gọi là "chợ âm phủ" từng vang bóng một thời, tạo nên sức sống mãnh liệt của làng nghề dệt chiếu. Từ xa xưa, "chợ ma" đã trở thành nét văn hóa độc đáo mà chỉ duy nhất làng chiếu Định Yên có được. Sau này, tôi được các cụ cao niên trong làng chiếu kể lại, "chợ ma" được họp từ lúc nửa đêm, bạn hàng gần xa tụ họp về, những ngọn đèn dầu cá, dầu lửa đủ sáng cho người mua, kẻ bán. Từ đó nhiều người quen gọi là "chợ ma" như trong truyện huyền thoại dân gian. 

"Chợ ma" xuất hiện và duy trì phù hợp với công việc dệt chiếu, phụ thuộc vào con nước lớn, nước ròng và sinh hoạt của người dân địa phương. Ban ngày, phụ nữ đều bận rộn với các công việc để hoàn thành chiếc chiếu như se trân, phơi, nhuộm lác, dệt chiếu. Ban đêm, tranh thủ mang chiếu đến "chợ ma" bán cho thương lái.

Tái hiện phiên "chợ ma" vang bóng một thời

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương tái hiện lại "chợ ma" để thế hệ sau, khách du lịch có thể hiểu về nét văn hóa đặc trưng, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2018, tôi tham dự tái hiện phiên "chợ ma" có hơn 100 thợ dệt chiếu. Dưới ánh đèn dầu lập lòa và ánh đuốc sáng trong đêm đã diễn ra cảnh mua bán chiếu rộn rã giữa người mua, kẻ bán. Phiên chợ làm sống lại khung cảnh bán chiếu vốn đã vang bóng một thời. 

Nhiều người dân khắp nơi tò mò, thích thú đến tham quan, chiêm ngưỡng để biết "chợ ma" hoạt động như thế nào. Anh Nguyễn Hoàng Trọng đến xem hoạt động phiên "chợ ma", nói: "Tôi đã 35 tuổi, là người con của quê hương huyện Lấp Vò có nhà cách làng chiếu Định Yên khoảng 20km nhưng chỉ nghe kể lại "chợ ma". Được tham dự phiên "chợ ma" nhóm họp giữa khuya mới chứng kiến được nét độc đáo có một không hai. Nhờ tái hiện lại mà thế hệ trẻ chúng tôi được biết đến "chợ ma" một thời nổi danh đã bị thất truyền".

Bà Lê Thị Thể kể với tôi rằng, người bán chiếu bất luận giờ nào, hễ dệt xong vài đôi chiếu là mọi người tranh thủ đem đến "chợ ma" bán ngay. Có những lúc về đêm, họ cũng mang chiếu đến bán, cầm theo chiếc đèn dầu tù mù. Từ đó, hình thành nên cái chợ chiếu ban đêm mà người ta quen gọi là "chợ ma" hoặc gọi là "chợ âm phủ". "Thời gian họp chợ lúc nửa đêm và kết thúc vào sáng ngày hôm sau. Ngày đó, mỗi phiên "chợ ma" có gần cả trăm người buôn chiếu từ khắp các tỉnh đến chọn hàng. Trên bờ, rừng chiếu đầy màu sắc rực rỡ; dưới bến ghe, xuồng đậu san sát chờ mua chiếu. Mỗi người buôn chiếu đậu ghe tại bến sông vài đêm, thu mua khoảng 1.000 chiếc mới nhổ neo, chở đi bỏ mối và bán lẻ khắp vùng ĐBSCL và sang tận Campuchia", bà Thể mắt nhìn ra dòng sông hồi tưởng lại một thời tham dự "chợ ma".

Nghề dệt chiếu đã nuôi sống biết bao gia đình, là nghề gắn bó với tên làng, tên đất. Vì lẽ đó, người dân làng chiếu Định Yên ai cũng xem nghề dệt chiếu như một trách nhiệm cần phải gắn bó với nghề. Và, tôi nghĩ, để tồn tại một làng nghề hơn một thế kỷ phải là sự gắn kết của rất nhiều thế hệ người, nhiều con người, nhiều gia đình lại với nhau đã làm "hồi sinh" làng chiếu Định Yên hôm nay.

Chiếu Định Yên xuất ngoại

Không chấp nhận mai một làng nghề, người dân làng chiếu Định Yên cùng với chính quyền địa phương chủ động tìm hướng đi mới giúp "hồi sinh" làng nghề dệt chiếu truyền thống, và thành lập được hợp tác xã chiếu để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông Phan Văn Bé Tư, Giám đốc Hợp tác xã chiếu Thanh Bình, cho biết: "Trên địa bàn xã Định Yên có khoảng 400 chiếc máy dệt với công suất khoảng 35.000 chiếc/ngày. Hiện nay, chiếu đã bán sang Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc… được bạn hàng quốc tế đánh giá cao".

Khả Di

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/tram-nam-lang-chieu-dinh-yen-a3497.html