Làm đường khai thác đá
Những ngày mật phục tại đây, nhóm PV ghi nhận có hàng chục lượt xe ben cỡ lớn (hầu hết đã không còn niên hạn sử dụng) ra vào khu vực khai thác đá thuộc địa phận xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Tại đây, xe cuốc, xe múc làm việc cật lực, moi đá từ các khu vườn, rẫy (chủ yếu là chuối, tràm hay đất trống) của các hộ dân, sau đó cho xe ben cỡ lớn vào tận nơi lấy đá, rời khỏi khu vực này.
Đặc biệt, tại đây có những tảng đá rất lớn, chỉ cần vài ba tảng là chất đầy xe ben. Cứ thế, theo đường mòn nhỏ trước đây, xe ben chạy thành lối, trở thành con đường lớn. Để gia cố đường đi, các cơ sở này dùng đá chẻ, đá dăm… lót đường, để xe ben phóng nhanh hơn.
Đường Sông Trầu - Cây Gáo - Vĩnh Tân B đã được gia cố, mở rộng cho xe ben cỡ lớn vào lấy đá.
(ảnh cắt từ clip).
Khoảng vài ba cây số, đoạn từ đầu đường Sông Trầu - Cây Gáo - Vĩnh Tân B và đến khu vực khai thác đá (thuộc địa phận xã Sông Trầu) là đất đỏ. Dù đường ngoằn ngoèo nhưng xe ben vẫn chạy với tốc độ “tử thần”. Khi ra khỏi khu vực đường đất, vào đường Cây Điệp (thuộc địa phận 2 xã: Cây Gáo, huyện Trảng Bom và xã Vĩnh Tân của huyện Vĩnh Cửu), xe ben vẫn chạy với tốc độ chóng mặt.
Nhóm PV núp xe (ô tô 7 chỗ) vào một lối hẹp, khi phát hiện xe ben ở trong đường Sông Trầu - Cây Gáo - Vĩnh Tân B đi ra, liền bám theo. Tuy nhiên, bám không kịp trên đoạn đường khoảng 3 - 4 km về điểm tập kết tại hộ ông Sách và cơ sở Thạch Bàn 2.
Đá được xe cuốc moi lên, tập kết, chờ xe ben vào lấy đi. (ảnh cắt từ clip).
Trước “sức mạnh” khủng khiếp và tốc độ kinh hoàng của các tài xế xe ben, nhóm PV tìm phương án khác để bám theo, tránh mất dấu: cả nhóm thống nhất đề sẵn máy, quay hướng xe về 2 bãi tập kết. Phát hiện xe ben ra, là tăng tốc mới bám kịp. Cứ thế, hàng loạt xe ben đưa đá về cơ sở sản xuất Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách lọt vào camera hành trình của xe ôtô và phương tiện ghi hình của nhóm PV.
Ai đang hưởng lợi từ đá mồ côi?
Tại hộ ông Sách, đá đưa về đây, tập kết thành bãi lớn, sau đó được công nhân với sự hỗ trợ của máy móc chẻ, tinh chế thành viên có đường nét vô cùng đẹp mắt. Đá mồ côi mà dân gian quen gọi giờ thành đá lót sân, ốp tường… sắc sảo. Sau khi tinh chế, đá đóng thành kiện, mỗi kiện có thể lót được diện tích khoảng 11m2, có giá xuất xưởng là 1,2 triệu đồng/kiện (chưa bao gồm tiền vận chuyển).
Xe múc vẫn cật lực hoạt động trên diện rộng trên địa bàn xã Sông Trầu. (ảnh cắt từ clip).
Trong bãi ông Sách, có 3 - 4 khu vực sản xuất, máy móc hoạt động rền vang cả khu vực. Tuy nhiên, ở phía ngoài cơ sở này không hề có bảng hiệu, tên, địa chỉ, thay vào đó, chỉ là một lối vào đủ cho xe ben cỡ lớn ra vào. Dù vậy, lọt thỏm phía sau là một khu vực rộng lớn khoảng 4 - 5ha, theo cách nhìn nhìn bằng mắt thường của PV. Người phụ trách đóng kiện, lên công (đưa hàng lên xe container, xuất đi) tại bãi này cho biết: “Hiện cơ sở có 2 bãi sản xuất, mỗi ngày có thể cung cấp được 60 kiện đá là bình thường, trong khi vẫn cung cấp cho các đối tác khác”.
Hộ ông Sách là bãi tập kết, sản xuất đá mồ côi do khai thác “chui” cực lớn, có quy mô. Còn đối với cơ sở sản xuất đá Thạch Bàn 2, theo thông tin của PV, dù có giấy phép gia công nhưng việc khai thác đá là hoàn toàn “chui”. Cơ sở này chỉ tiếp nhận đá cung ứng từ đơn vị khác về gia công, hoàn toàn không được phép khai thác. Về việc này, nhóm PV sẽ đề cập ở kỳ sau.
Xe cuốc vẫn moi, xe múc vẫn đưa đá lên xe ben chở ra bãi tập kết. Trong khi đó, chính quyền xã vẫn bình thản như không có chuyện gì và tụ tập ăn uống tại trụ sở. (ảnh cắt từ clip).
Đá mồ côi trên địa bàn xã Sông Trầu được khai thác, sau đó đưa về bãi, “phù phép” và xuất đi đến các điểm tiêu thụ. Nếu cần hóa đơn, chứng từ thì chỉ có hóa đơn giá trị gia tăng về “gia công đá”, chứ hoàn toàn không phải là đá thành phẩm. PV sẽ đề cập ở kỳ sau về việc đá tiêu thụ ở đâu, những xe nào đang hoạt động tại đây, niên hạn của xe ben, khối lượng đá khai thác hàng ngày…
Một diễn biến phức tạp của vụ việc này là: Việc khai thác đá diễn ra ở một nơi (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), còn vận chuyển lại diễn ra trên địa phận 3 xã (xã Sông Trầu, Cây Gáo - huyện Trảng Bom và xã Vĩnh Tân - huyện Vĩnh Cửu). Trong khi đó, cơ sở sản xuất đá do khai thác “chui” lại diễn ra trên địa bàn xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), vì thế, lãnh đạo các xã này có lý do để “chống chế” trong việc cung cấp thông tin cho PV.
Biển hiệu quy định tốc độ tối đa là 50km/giờ nhưng tài xế xe ben chạy đến 90 - 100km/giờ, trong khi chở đầy đá tảng.
Vấn đề đặt ra khiến dư luận hết sức bức xúc là tình trạng khai thác đá rầm rộ, diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ngang nhiên như vậy, Thế nhưng, lãnh đạo, cán bộ phụ trách của UBND xã Sông Trầu không hề hay biết?. “Hay có tình trạng bao che, móc nối để tư túi của lãnh đạo, cán bộ từ xã đến huyện đối với tài sản quốc gia là vấn đề cần phải làm rõ”, ông N.T.T., một người dân sống gần khu vực khai thác đá nêu vấn đề.
Nhức nhối nhưng lãnh đạo xã vẫn dửng dưng
Dù tình trạng khai thác đá mồ côi diễn ra hết sức nhức nhối, quy mô lớn trên địa bàn nhưng PV đề nghị cán bộ, lãnh đạo UBND xã thị sát thực tế thì bị cán bộ phụ trách của UBND xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) từ chối thẳng thừng, dù có lãnh đạo Phó Chủ tịch UBND đứng ngay cạnh. Trong khi đó, đến trụ sở UBND xã Vĩnh Tân, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã yêu cầu để lại nội dung, thông tin đơn vị làm việc, rồi sắp lịch làm việc sau.
Song Tùng - Thiên Nhi
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/viet-tiep-bai-khoang-san-chay-mau-chinh-quyen-ngo-lo-ai-khoc-cho-da-mo-coi-a3749.html