Nghệ sĩ Kiều Mai Lý: Một đời trọn tình trọn nghĩa của cô đào hát sở hữu tiếng cười hào sảng (bài 2)

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý bước chân vào nghề bằng những vai đào mùi lấy nước mắt khán giả. Nhưng để trụ vững với nghề, bà đã học hỏi rất nhiều và chuyển mình từng bước với đủ loại vai diễn, thân phận. Từ một cô đào khóc giỏi bậc nhất, bà trở thành cô gái lý lắc, hài hước, thậm chí nhận về những vai diễn độc ác đến mức khán giả tức tối ném cả đồ lên sân khấu.

Kỳ 2: Đào mùi hiền lành biến hóa thành đào lẳng, đào độc bị khán giả ném đồ lên sân khấu

Cô đào độc ác bị khán giả ném đồ lên sân khấu

Năm 1967, nghệ sĩ Kiều Mai Lý ký công tra đoàn Dạ Lý Hương với giá 350.000 đồng, một số tiền quá lớn đối với một cô đào mới nổi. Bà nhớ, cầm số tiền ấy trong tay, bà có thể mua được nhà lầu, xe hơi, xấp xỉ được người đời gọi là triệu phú. Đã vậy, mỗi đêm diễn, bà còn được nhận thêm lương hậu hĩnh. Để được hưởng những quyền lợi đó, bà phải lao động cật lực ở đoàn suốt 2 năm, thực hiện tất cả yêu cầu mà bầu chủ đưa ra. Ông bầu giao vai nào, nghệ sĩ phải diễn vai đó, không được phép từ chối, trừ khi diễn dở, bầu yêu cầu không diễn vai đó nữa.

Bước vào đoàn Dạ Lý Hương, Kiều Mai Lý đã nổi tiếng với những vai đào mùi, đào em nhưng ông bầu Xuân đòi hỏi nghệ sĩ của đoàn phải đa dạng hơn. Bản thân không trải qua trường lớp, nữ nghệ sĩ chỉ học ca cải lương từ các thầy đờn. Bởi vậy, muốn trụ vững với nghề, bà phải học hỏi thêm nhiều từ thực tế sân khấu. Bước lên sân khấu những ngày đầu với các vai đào mùi, bà tự nhận bản thân mùi đến mức “mùi rục, mùi riệu”, chỉ biết khóc và đau đớn bi thương. Thế nhưng, khi gia nhập đoàn Dạ Lý Hương năm 17 tuổi, bà bắt đầu học hỏi thêm và thay đổi theo yêu cầu của bầu chủ.

Ban đầu, khi bị bắt đóng các vai đào lẳng, bà mắc cỡ và không tự tin, mở miệng ra không biết nói xóc nói xỏ. Khổ nỗi, nghệ sĩ Kim Ngọc, người chuyên đảm nhận các vai đào lẳng của đoàn lại sinh đẻ liên tục nên ông bầu buộc bà đóng thế vai cho đàn chị. Một cô gái nhỏ tuổi, thuần hậu lại phải hóa thân thành cô gái tính tình lý lắc, trêu ghẹo người khác trở thành bài toán khó giải. Cũng nhờ nghệ sĩ Hùng Cương khuyến khích bằng câu nói chân phương: “Ráng đi em, anh Hai ủng hộ em”, nữ nghệ sĩ dẹp hẳn tự ái nghề nghiệp, chịu khó học hỏi thêm, đa dạng diễn xuất.

Kiều Mai Lý biến hóa trong các vai diễn.

Bất ngờ hơn, khi xuất hiện trên sân khấu với những vai diễn lẳng lơ, hài hước, bà được khán giả ủng hộ nhiệt tình và yêu thích. Vào “ngọt” vai hề, vai lẳng, bà được phân thêm các vai già 60 – 70 tuổi. Một cô gái mới 17 tuổi lại phải diễn xuất một cụ bà chống gậy, run rẩy… càng khó khăn hơn và khó nhất lại nằm ở khâu hóa trang. Nữ nghệ sĩ nhớ, chú Ba Ngà, người vẽ mặt, hóa trang cho bà đã phải cười đến không thở nổi khi nhìn vào khuôn mặt của bà. “Sao chú vẽ một hồi, chú thấy mặt của cháu giống con cọp lazer, chứ không giống bà già. Lát nữa ra sân khấu, cháu đừng nhìn mặt chú. Chú mắc cười, sẽ hát không được luôn đó”, chú Ba Ngà đã nói như vậy với cô bé Kiều Mai Lý đằng sau cánh gà.

Nhờ những vai diễn mới, những kỷ niệm để đời, bà dần thoát hết những nét diễn mùi mẫn của trước đây, chuyển hẳn sang đào lẳng, đào độc. Chính nhờ các thử thách bước đầu, khả năng biến hóa của bà ngày càng đa dạng. Sau này, không thể dựa vào sân khấu cải lương để kiếm sống, bà dễ dàng chuyển sang kịch nói, hài kịch và đóng phim. Nếu vẫn giữ tự ái cá nhân, diễn những vai đào mùi một màu, có lẽ, nghệ sĩ Kiều Mai Lý đã phải tìm thêm nghề tay trái để mưu sinh trong chuỗi ngày cải lương lận đận.

Cũng nhờ những vai đào độc ác, bà mới lưu lại được trong lòng khán giả bằng những kỷ niệm thật đặc biệt. Một lần vào vai em chồng hành hạ chị dâu trong một vở cải lương, bà bị khán giả xem trực tiếp bên dưới sân khấu ném đồ vô mặt. Vừa ném, khán giả còn chỉ tay về phía bà và hét toáng: “Con này ác quá!”. Cả đoàn phải một phen hú vía, riêng bà lại rất vui, bởi hình ảnh đó chứng minh khả năng diễn tả xuất thần của bà trên sân khấu.

Một lần khác, cách đây mấy năm, nghệ sĩ Kiều Mai Lý sang Mỹ lưu diễn. Trong chuyến lưu diễn này, bà vào vai bà Hai Lung, người phụ nữ chuyên cho vay và đi đòi nợ trong vở cải lương Nửa đời hương phấn. Sau những ngày quay hình, bà thong dong dạo phố thì bị một phụ nữ trung niên xăm xăm đi tới, chỉ vô mặt và nói: “Cái mặt con mẹ này nè, bả ác dữ lắm. Ác ghê!”. Sau phút giây định thần, bà bình tĩnh hỏi nguyên cớ người này chửi bà giữa phố. Người phụ nữ lạ mới ngớ người và thanh minh: “Công nhận bà đóng vai Hai Lung trong vở Nửa đời hương phấn ác dễ sợ. Bà ác quá nên tôi ghét bà lắm”. Vỡ lẽ, cả hai ôm nhau cười nói giữa phố như những người bạn thân quen lâu ngày gặp lại.

Khóc cười phía sau cánh gà với đàn anh, đàn chị

Nữ nghệ sĩ Kiều Mai Lý chia sẻ, thực ra, công tra không chỉ là một tờ giấy ghi lại những ràng buộc của đoàn hát mà còn thể hiện mức độ tài năng, sự nổi tiếng của một người nghệ sĩ. Với một nghệ sĩ tài năng, công tra giống như sợi dây xích giữ chân nghệ sĩ, bắt buộc họ không được “bẻ kèo” đi nơi khác. Bởi, nếu muốn ra đi trước thời hạn, người nghệ sĩ phải đền bù một số tiền rất lớn. Ở góc độ khác, công tra thể hiện độ nổi tiếng của người nghệ sĩ, đánh dấu sự quan trọng của người đó với đoàn hát, khẳng định tên tuổi của một ngôi sao phòng vé. Một nghệ sĩ đương thời còn danh tiếng sẽ được ông bầu chăm chút kỹ lưỡng và chỉ sau từ 5  - 6 tháng ký công tra, nghệ sĩ này sẽ nhận tiếp một công tra mới với giá trị cao hơn. Nhiều nghệ sĩ của đoàn Dạ Lý Hương được ký công tra với mức giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng cho 2 năm biểu diễn.

Từ chỗ đó, nghệ sĩ đã vào đoàn Dạ Lý Hương, trong đó có Kiều Mai Lý luôn luôn phấn đấu để được ký công tra giữ chân. Lớp nghệ sĩ ở thời của bà đều ganh đua nhau về nghề nghiệp, chứ không có chuyện tư thù, giành giật ký công tra mà đạp đổ người khác. Ở đoàn Dạ Lý Hương, tất cả nghệ sĩ đều rất cố gắng, không ai xích mích ai, rất thương yêu với nhau nhưng sự cạnh tranh nghề nghiệp lại rất quyết liệt. Chuyện “ma cũ ức hiếp ma mới”, đào chánh sai vặt đào em… bà cũng có nghe nhiều người kể lại nhưng bà lại chưa rơi vào hoàn cảnh ấy bao giờ.

: Kiều Mai Lý cũng nghệ sĩ Bảo Chung, Kim Ngọc trong một vở diễn.

Bà nghĩ, chuyện hậu trường sân khấu xấu đẹp còn tùy vào bản tính của từng người, chứ không phải ai cũng vậy. Từ lúc theo nghề, dù đoàn hát nhỏ hay lớn như Dạ Lý Hương, Thanh Nga, Trần Hữu Trang… bà đều không gặp cảnh bị bắt nạt. Đào kép chánh đều thây kệ, chị em của một nghề, không phân cao thấp, không có chuyện cơm bưng nước rót lấy lòng. Phần nữa, bà may mắn hơn các chị em khác ở chỗ, bước vào nghề bà đã được đóng đào chánh nên không nếm trải những cay đắng của nghề. Được làm đào chánh, bà không cao ngạo, hạch sách kẻ dưới, ngược lại, bà rất hòa đồng và thương người.

Bà thương và sợ tái diễn những cảnh người trên cứ nặng nhẹ người dưới. Thế nên, có nhiều lúc, bà có thể ngồi một chỗ chỉ tay kêu đàn em lấy món đồ bà cần nhưng bà không làm vậy mà tự thân vận động. Bà tự nhận, bản thân không rành Phật pháp, không đi chùa nhưng sống thật với lòng, ai khổ bà đều giúp, mở lòng ra. Làm người ta cười, bà thấy hạnh phúc lắm, còn nếu người ta nhỏ một giọt nước mắt bà lại thấy xót. Từ lúc biết đời đen bạc, bà chưa bao giờ làm cho người khác khóc, bà khóc về người ta thì nhiều hơn.

Cảnh ức hiếp lẫn nhau bà chưa từng thấy nhưng bà tận mắt chứng kiến cách sinh hoạt lạ lùng của nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu. Bá nhờ, hồi xưa, Mỹ Châu không thích giao tiếp với mọi người, bởi má của cô ấy rất khó. Bà chỉ cho Mỹ Châu đến chỗ diễn thì vào hát, chư không giao tiếp với ai. Dù có cách sinh hoạt lạ lùng nhưng cô đào hát xinh đẹp cùng không làm mất lòng ai. Ngoài ấn tượng với Mỹ Châu, nghệ sĩ Kiều Mai Lý còn rất yêu quý nghệ sĩ Thanh Nga. Khi đất nước giải phóng, bà về đoàn Thanh Nga biểu diễn. Bà tận mắt chứng kiến bà bầu kiêm đào chánh của đoàn vô cùng thân thiện. Thế nhưng, buồn lắm, chị em gắn bó chưa bao lâu, nữ nghệ sĩ Thanh Nga vắn số qua đời trong niềm tiếc thương của đồng nghiệp.

Kiều Mai Lý nhớ, đêm Thanh Nga bị bắn tử vong, bà cùng nữ nghệ sĩ hát mấy suất vở Thái Hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Gia Định. Trong cánh gà, nghệ sĩ Thanh Nga vỗ vai hết người này đến người kia, nói chuyện rôm rả. Thế mà, đến tối, Kiều Mai Lý nhận tin người chị trong nghề qua đời. Nửa đêm, một người em gõ cửa báo tin, bà nghe xong tay chân run lẩy bẩy, không bước nổi xuống giường. Lúc này, đồng hồ đã điểm sang 2-3h sáng của ngày hôm sau. Ban đầu, bà tưởng nghệ sĩ Thanh Nga bị tai nạn giao thông nhưng biết đồng nghiệp bị bắn chết tức tưởi, bà hỡi ơi, quá đỗi xót xa. Bà thương cho vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga và tội cho Hà Linh, con trai của người đã khuất rơi vào cảnh mồ côi tăm tối.

Thanh Nga mất, bà về đoàn Trần Hữu Trang và tiếp tục gắn bó với chuỗi ngày hoàng kim của nghệ thuật cải lương cho đến ngày lận đận. Với vốn liếng sân khấu, bà nhận đóng phim, diễn kịch, đóng hài… để cùng chồng vượt qua nghịch cảnh nghèo khó đang bủa vây phía trước.

Nghệ sĩ đi trễ phải đền tiền một suất hát

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý chia sẻ: “Ở thời của tôi, muốn một vở diễn thành công, các nghệ sĩ phải tập tuồng từ 5-6 tháng, sớm nhất 3 tháng, ngày nào cũng phải tập. Tập nhuần nhuyễn đến mức người nhắc tuồng không cần phải nhắc. Ngày xưa quý cái nghề, bởi có công tra buộc chân. Tập tuồng mà đi trễ ông bầu phạt. Đến giờ diễn mà nghệ sĩ nào chưa đến sẽ phải đền số tiền tương ứng với một suất hát”.

Ngọc Lài

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/nghe-si-kieu-mai-ly-mot-doi-tron-tinh-tron-nghia-cua-co-dao-hat-so-huu-tieng-cuoi-hao-sang-bai-2-a4078.html