NHỮNG CUỘC GIẢI CỨU NGHẸT THỞ Ở RỐN LŨ QUẢNG BÌNH

2h sáng, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn đưa ra quyết định "ngoại lệ" - hạ xuồng đi giải cứu người dân. Trong đêm tối, liên tục những cuộc gọi đề nghị cứu nạn vang lên.

Hai ngày nay, vợ chồng chị Bông cùng 3 đứa con nhịn đói. Trước đó, nhà chị còn lạo xạo nhai mấy gói mì tôm sống, nhưng rồi mì cũng không còn.

Khu vực nhà chị Mai Thị Bông (45 tuổi, ngụ thôn Công Hoa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) đã bị chia cắt hơn 4 ngày nay trong trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Bình.

“Khổ đến chảy cả nước mắt. Từ thuở mô đến giờ, hơn 40 năm, cơn lụt ni là to nhất. Lụt lên tới tận nóc nhà. Lụt hết”, chị Bông nói như chực khóc, nhìn vào khoảng không đen kịt trước mặt.

Từ chiều đến tối 20/10, chị và mấy trăm người dân thôn Công Hoa cứ ngóng ra bến đậu tàu thuyền, chờ mong bóng màu cam của con tàu cứu hộ rẽ nước đi thẳng vào thôn, mang theo thức ăn, nước uống. Những ngày mắc kẹt trong lũ, “tàu của các chú bộ đội” trở thành hoa tiêu cho những người dân như chị Bông trong đêm tối mịt mùng. Không một ánh đèn, chỉ nghe mưa gầm gió hú.

Nhà chìm nhưng người dân phải nổi

Đứng trước con tàu cứu hộ, gió và mưa thốc vào mặt lạnh run, thượng tá Ngô Hữu Tình, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn, cố gắng xác định phương hướng. Tối 20/10, nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 19 độ C. Gió luồn qua cả lớp áo phao lẫn lớp áo mưa, thổi vào bộ áo quần vẫn còn ẩm, lạnh thấu xương. Trên sông Gianh, chỉ có đốm sáng của hai con tàu cứu hộ ngược gió lao vun vút về phía trước.

Xuồng vừa bắt đầu qua khu vực bị chia cắt, thượng tá Tình đã nghe tiếng người dân í ới bên bờ. Tiếng gọi bị gió thổi tạt đi nhưng các chiến sĩ trong đoàn cứu hộ vẫn đoán được ý người dân, một người nói lớn: “Chờ một chút, ai cũng có phần”.

Suốt 2-3 ngày nay, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn không nhớ nổi đã nghe bao nhiêu lời kêu cứu, nhận bao nhiêu cuộc điện thoại báo tình trạng khẩn cấp.

Đêm 18/10, chuông điện thoại cứu hộ của Ban Chỉ huy đổ liên hồi, tưởng chừng cháy máy. Hôm đó, trời mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn sông Gianh chảy về và triều cường lên khiến toàn thị xã Ba Đồn ngập trong biển nước, có nơi sâu đến 3 m. Tính đến 20/10, hơn 22.000 căn nhà tại đây đã bị ngập, trở thành nơi thiệt hại nặng thứ hai trong cả tỉnh, chỉ sau huyện Lệ Thủy.

“Nước ngập đến nóc rồi, đề nghị đội cứu hộ, cứu nạn cứu dân với không chết mất”, những tiếng nói mếu máo cầu cứu liên tục vang lên trong điện thoại.

mua lu lich su tai Quang Binh anh 2

Những chiếc xuồng nhỏ được tận dụng để dễ dàng đi vào hẻm, làng cứu nạn người dân. Ảnh: Phạm Ngôn.

2h sáng 19/10, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn quyết định hạ xuồng đi giải cứu dân theo lệnh của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh. Hai đội chia nhau đi các ngả, bằng mọi cách cứu nạn người dân. Thượng tá Tình gọi đây là "ngoại lệ" trong trường hợp khẩn cấp bởi theo nguyên tắc, các đội cứu hộ, cứu nạn trong lũ thường không đi làm nhiệm vụ vào buổi tối để đảm bảo an toàn.

Dựa theo cuộc gọi của bà con và lấy đèn nhấp nháy làm tín hiệu nhận biết, đội cứu hộ đi đến từng nơi để giải cứu những người dân có nhà bị lũ nhấn chìm, đưa họ đến chỗ cao hơn, đặc biệt ưu tiên người già và trẻ nhỏ.

Đêm đó, toàn bộ 38 cán bộ, chiến sĩ tại Bộ Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn thức trắng. Trên chiếc xuồng bập bềnh giữa dòng nước lũ, họ men theo từng cột điện, từng nóc nhà, cẩn trọng di chuyển tới thôn, hẻm để cứu nạn người dân. Cuộc giải cứu kéo dài không nghỉ đến tận chiều tối ngày 19/10.

Đội cứu hộ quyết tâm bằng mọi giá phải giải cứu toàn bộ những người dân gặp nạn. Quảng Bình có thể chìm nhưng người dân phải nổi.

Trắng đêm giải cứu 6 sản phụ trong lũ

“Cứu với! Cứu với! Qua cứu bà cụ bên này với”, tiếng kêu cứu của người dân cùng ánh đèn soi loạn xạ vào một căn nhà khiến trung úy Đoàn Trọng Nghĩa chú ý. Vốn là nhân viên thống kê của đơn vị nhưng vào giờ phút cấp bách, nhân dân cầu cứu, anh cũng "ra trận" như một chiến sĩ thực địa.

Trung úy Nghĩa và các đồng đội điều khiển xuồng về phía căn nhà khóa trái cửa. Trong căn nhà lênh láng nước, một bà cụ khiếm thị 90 tuổi và cô con gái tím tái vì ngâm nước lâu. Đội cứu hộ trấn an hai mẹ con và cố gắng tiếp cận ngôi nhà.

Mới 17h30 nhưng trời đã tối mịt. Đội cứu hộ nhanh chóng tìm cách phá cửa để lội vào nhà. Phải mất gần một giờ, trung úy Nghĩa và đồng đội mới đưa được hai người phụ nữ ra ngoài. Cả đội đưa bà đến căn nhà của người thân ở khu vực cao hơn để mẹ con bà có nơi tránh trú an toàn trong mưa lũ.

Những điều đặc biệt nhất với thượng tá Tình, trung úy Nghĩa và nhiều đồng đội trong trận lụt lịch sử này là họ đã “đỡ đầu” cho ít nhất 6 sinh linh chào đời.

Chỉ trong ngày 19/10, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn đã cứu nạn an toàn cho 6 sản phụ, đưa họ đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình khi nước lũ dâng cao, giúp nhiều gia đình “mẹ tròn con vuông” trong đỉnh lũ lịch sử.

"Trường hợp tôi đặc biệt nhớ là một chị phụ nữ mang thai 9 tháng, gần sinh nhưng chồng đi làm ăn xa, nhà chỉ có một mẹ già và một con nhỏ. Chúng tôi vào cứu thì người mẹ của òa khóc nói 'Bộ đội tuyệt vời, bộ đội tuyệt vời. Nhờ có bộ đội mà cứu sống sinh mạng của bà cháu và con tôi'. Nghe vậy tôi rất cảm động", thượng tá Tình kể lại.

Một pha cứu nạn thót tim khác là khi lực lượng chức năng tìm kiếm 3 thanh niên đuối nước. Khi thấy nước lũ lên cao, 3 người này đã tự sử dụng thuyền cá nhân của gia đình để đi cứu nạn người dân quanh khu vực xã Quảng Minh. Thế nhưng giữa chừng, xuồng bị vỡ khiến 3 thanh niên trôi dạt xuống xã Quảng Văn. May mắn là họ đã được đội cứu hộ tìm thấy và đưa lên bờ an toàn.

mua lu lich su tai Quang Binh anh 3

Thượng tá Đoàn Sinh Hòa, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Quân khu 4, tham gia cứu trợ cho người dân. Ảnh: Thu Hằng.

Chỉ trong ngày 19/10, hơn 70 người đã được lực lượng này cứu nạn đến nơi an toàn, trong đó có 6 sản phụ. Những cuộc giải cứu cấp bách khiến cho đội cứu hộ của Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình không nhớ được quá nhiều chi tiết về những người mình giải cứu.

"Có khi giờ gặp lại cũng không nhớ ai mình từng cứu, chỉ lờ mờ nhớ đặc điểm của họ như là người già, sản phụ, trẻ nhỏ. Mà cũng chẳng cần, cứu được dân là vui rồi", một chiến sĩ của đội cứu hộ chia sẻ.

Theo thượng tá Đoàn Sinh Hòa, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, Quân khu 4, khó khăn lớn nhất trong quá trình cứu hộ, cứu nạn người dân tại Quảng Bình trong mùa mưa lũ là địa hình rất phức tạp. Mỗi lần mưa lớn, lượng nước đầu nguồn rất mạnh nên nước sông Gianh chảy xiết khiến các phương tiện cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn.

“Hiện nay, tàu xuồng công suất chưa lớn, trong điều kiện đỉnh lũ, đỉnh mưa như thế thì đi lại rất khó khăn, gây trở ngại cho các lực lượng cứu hộ khi bà con nhân dân trên địa bàn cầu cứu. Để tức thời thực hiện ngay nhiệm vụ, chúng tôi đang cùng cố gắng để khắc phục trong thời gian tới”, thượng tá Hòa cho biết.

Mệnh lệnh từ trái tim

Dù nhà chỉ cách đơn vị khoảng 3 km, thượng tá Tình không nhớ nổi lần cuối anh về nhà là khi nào. Từ ngày Quảng Bình thành rốn lũ, anh gần như mất khái niệm về ngày tháng.

“Đợt lũ này khủng khiếp quá, quá khủng khiếp. Dường như từ lúc sinh ra lớn lên đến bây giờ, trận lũ này là lớn nhất trong cuộc đời. So với đỉnh lũ 2010 và 2016, nó cao hơn khoảng 35-40 cm”, thượng tá Tình so sánh.

Vắng anh, nhà chỉ còn hai đứa con 14 tuổi và 7 tuổi được bà ngoài chăm sóc. Đợt lũ này, nhà anh ngập tới 0,5 m. Nhà nội và nhà ngoại cũng ngập sâu, từ 1,5 tới 2 m.

Dù có thể trở về để “giải cứu” chính ngôi nhà của mình, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn vẫn chọn ở lại đơn vị vì nhiệm vụ. Anh liên tục gọi điện cho người thân, hỏi thăm, nhắc nhở mẹ và các con không được ra ngoài lúc mưa, luôn phải sử dụng áo phao khi ngập.

“Tôi là người chỉ huy nên phải xác định bám trụ để thực hiện nhiệm vụ cùng đơn vị. Đó là mệnh lệnh từ trái tim. Nhà mình đã có lực lượng dân quân tự vệ lo, thực hiện phương châm 4 tại chỗ mà. Họ giúp nhà mình, còn mình đi giúp nhà khác”, thượng tá Tình bộc bạch.

mua lu lich su tai Quang Binh anh 4

Thượng tá Ngô Hữu Tình, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn, đem đồ cứu trợ cho người dân mắc kẹt trong lũ. Ảnh: Thu Hằng.

19h30 ngày 20/10, tàu cứu hộ cập bến xã Quảng Trung mang theo hàng trăm suất cơm cùng nước uống, áo phao cho người dân nơi đây. Đó là phần quà cứu trợ của Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình được lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Ban Chỉ huy quân sự thị xã Ba Đồn hỗ trợ chuyển đến tay người dân.

Vừa thấy tàu đi sát bờ, người dân đã reo hò, vỗ tay mừng rỡ. Những đứa trẻ nhảy cẫng lên vì biết rằng tối nay không còn phải ăn mì tôm sống.

Trên chuyến tàu trở về, thượng tá Tình lại nhận được cuộc điện thoại báo tin một sản phụ chuẩn bị đẻ, cần cứu nạn gấp. Anh lập tức nhấc điện thoại, gọi cho đồng đội ở trên chiếc xuồng gần đó, tiếp tục lên kế hoạch cho những cuộc giải cứu trong đêm.

Thu Hằng

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/nhung-cuoc-giai-cuu-nghet-tho-o-ron-lu-quang-binh-a4985.html