Chia sẻ với bà con vùng lũ miền Trung, mấy tuần nay, từ nhiều địa phương, nhiều đoàn, nhóm từ thiện, cứu trợ lên đường, chuyển đi những món tiền, những thùng hàng thiết yếu để giúp đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Không ít người xin nghỉ phép, hoặc tạm gác công việc kinh doanh của mình để lo kêu gọi, kết nối, thu gom nhu yếu phẩm, bốc xếp, chuẩn bị phương tiện để chở đồ lên đường. Tinh thần tương thân tương ái của người Việt thể hiện rõ hơn bao giờ hết.
Quần áo là một trong những loại nhu yếu phẩm được các đoàn từ thiện vận chuyển đến vùng lũ. Tuy nhiên, việc tặng quần áo cũng phát sinh vấn đề. Mạng xã hội đang nóng lên cuộc tranh cãi về chuyện tặng quần áo cho đồng bào miền Trung, khi thành viên một số nhóm thiện nguyện bức xúc đăng ảnh quần áo từ thiện bị vứt đống bên hè đường.
Tác giả bài đăng không nói rõ hình chụp ở đâu, vẻ sạch sẽ của đường sá, cây cối khiến nhiều cư dân mạng khẳng định đây không phải là nơi vừa xảy ra ngập lụt, tuy nhiên việc quà tặng bị "hắt hủi" lại khiến nhiều anh chị em đang nhiệt tình thu gom đồ ủng hộ miền Trung cảm thấy chạnh lòng, bởi họ đã đổ nhiều công sức để xin và cả mua quần áo, chuẩn bị gửi vào.
Tranh cãi hình ảnh quần áo từ thiện đổ đống, không ai thèm lấy. (Ảnh:Facebook)
Thành viên môt nhóm thiện nguyện viết: "Em thương bản thân mình và cả đoàn em bỏ cả 4 ngày, các nơi gửi quần áo chăn màn em còn phải giặt phải phơi, đoàn đi từ thiện bỏ thời gian, tiền, công sức, rất mệt, nên thấy buồn khi nhìn cảnh tấm lòng của mọi người bị vứt bỏ như vậy".
Tuy nhiên, rất nhiều cư dân mạng lại cho rằng, ngay cả khi bức ảnh trên quả thật là chụp cảnh quần áo từ thiện bị vứt bỏ thì cũng không nên nhìn nhận theo cách tiêu cực. "Nếu món đồ được trao tặng là thứ đồng bào cần, không bao giờ người ta vứt đi cả. Còn nếu họ không cần, đừng bắt họ phải vì nể nang mà vất vả ôm về, rồi cuối cùng cũng mất công bỏ đi. Nhìn thì chạnh lòng thật, nhưng tôi nghĩ nên coi tấm ảnh trên như lời nhắc nhở rằng đi làm từ thiện ngoài cái tâm ra còn cần cái đầu nữa", Minh Luân viết.
Đồng tình với ý kiến trên, Thanh Thảo bình luận: "Em cũng nghĩ như bác Minh Luân, mình đi làm từ thiện trên tinh thần giúp được người ta cái gì thì giúp, cốt sao cho họ nhẹ bớt mệt mỏi âu lo được chút nào hay chút đó. Đồng bào đang có đủ thứ phải lo nghĩ, đừng làm họ mệt thêm khi phải cố gắng làm mình vui lòng bằng cách quần áo không phù hợp cũng cố mang về".
"Bà con vùng lũ chắc là cần quần áo rồi, vì nước lũ trôi hết còn đâu. Vấn đề là không phải chỗ nào cũng cần quần áo. Bà con ở những xã không bị chia cắt, chỉ cần nước rút là được tiếp tế quần áo, đồ dùng ngay. Mình nghĩ khi đi cứu trợ, cần liên lạc với địa phương để biết rõ dân chỗ nào thiếu gì và đưa đúng thứ họ cần, chứ cứ mua, gom đồ theo cảm tính, hùng hục chở vào, người ta không muốn nhận thì lại buồn", Tuyết Nga góp ý.
Nhiều người cho rằng, quần áo từ thiện bị bỏ đi là câu chuyện vẫn tiếp diễn từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ tình trạng người cho có tâm nhưng không tinh tế trong việc nhận biết nhu cầu người nhận. "Không chỉ đợt lũ lụt này, các đợt từ thiện khác giúp đồng bào khó khăn ở phía Bắc cũng vậy. Nhiều người cứ tha bao nhiêu bao tải quần áo lên miền núi, đồng bào từ chối thì nghĩ là họ chỉ muốn tiền thôi. Họ nghèo, cũng cần thêm quần áo chứ, nhưng bạn phải tặng thứ mà họ mặc được. Rất nhiều bộ là đồ tốt, đắt tiền, nhưng không phù hợp, họ mặc làm sao?", Phạm Lê Nga phân tích.
"Những bộ váy quá phá cách, váy ren, thời trang dạo phố, dự tiệc, công sở thì bà con miền núi mặc kiểu gì? Đừng nghĩ làm thiện nguyện nghĩa là trong nhà có gì không dùng đến thì mang cho, đấy là dọn nhà chứ không phải giúp người, đừng mất công mang cho rồi lại quay sang trách móc bà con chảnh, cho không thèm lấy này nọ", Phan Tùng viết.
Thiên An(T/H)
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/xem-anh-quan-ao-tu-thien-vut-le-duong-dan-mang-tranh-cai-cach-ung-ho-mien-trung-a5101.html