Cưỡng chế nhà dân không lập biên bản
Vừa qua, Báo Điện tử Tầm Nhìn nhận được đơn thư phản ánh của ông Khúc Văn Đoài (ngụ xã Dương Tơ, H.Phú Quốc, Kiên Giang) phản ánh về việc UBND xã Dương Tơ (H.Phú Quốc, Kiên Giang) tổ chức tiến hành cưỡng chế căn nhà tạm của gia đình ông Đoài tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ (H.Phú Quốc, Kiên Giang) sai quy định.
Cụ thể, theo phản ánh của ông Đoài, vào năm 2014 ông có mua khu đất rộng 9.000m2 tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ (H.Phú Quốc, Kiên Giang) của bà Nguyễn Thị Bông – đất có nguồn gốc người dân canh tác, sử dụng từ những năm 1980. Sau khi sang nhượng (bằng giấy tay) gia đình ông Đoài sinh sống canh tác, ổn định trên đất.
Vào năm 2019, gia đình ông Đoài xây dựng lại căn nhà tạm (vật liệu gạch, tôn) trên nền đất cũ để tiện trông coi việc canh tác hoa màu, sản vật trên khu đất.
Căn nhà tạm của gia đình ông Đoài hiện chỉ còn là đống gách đá đổ nát sau cưỡng chế. |
Bỗng nhiên, vào ngày 24/9/2020 vừa qua, UBND xã Dương Tơ tổ chức “cưỡng chế” phá dỡ căn nhà tạm, chặt phá các cây tràm đã được trồng nhiều năm khiến gia đình ông Đoài rơi vào cảnh không nơi trú mưa, trú nắng.
Ông Khúc Văn Đoài cho biết “Trước khi tiến hành cưỡng chế UBND xã Dương Tơ đã không có bất kỳ thông báo hay có biên bản vi phạm hành chính đối với công trình sai phạm của gia đình tôi. Không những thế, trong quá trình cưỡng chế, những cây trồng lâu năm (hơn 10 tuổi) trên đất cũng bị UBND xã chặt phá mà không hề lập biên bản kiểm kê hay biên bản cưỡng chế nào...”
Việc UBND xã Dương Tơ (H.Phú Quốc, Kiên Giang) tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm trên đất khi chưa có biên bản vi phạm hành chính; Không có thông báo cưỡng chế; Không lập biên bản khi tiến hành cưỡng chế … đối với công trình xây dựng và cây trồng trên đất của gia đình ông Khúc Văn Hoài có làm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành?
UBND xã Dương Tơ có làm đúng pháp luật?
Theo luật sư Nguyễn Thị Sinh (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) căn cứ vào mục 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP:
– Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.
– Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Khi thực hiện cưỡng chế để thi hành biện pháp khắc phục hậu quả phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.
– Trường hợp thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.
– Việc thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gây ra phải được lập biên bản và giao cho người bị cưỡng chế một bản.
– Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Thanh Xuân - Linh Linh
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/phu-quoc-ubnd-xa-duong-to-cuong-che-nha-dan-sai-quy-dinh-a5384.html