Phát hiện lô sản phẩm Procumin không đạt chất lượng
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này vừa tiến hành xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm Pro Cuộc sống xanh vì có hành vi vi phạm quy định trong sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm thực phẩm chức năng.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã quyết định xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm Pro Cuộc sống xanh số tiền 75.625.000 đồng vì có hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Procumin có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố. Lô sản phẩm không đạt chất lượng có số lô: 04 06 19-4, NSX: 04 06 19, HSD: 04 06 22.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Procumin do chi nhánh Công ty TNHH Dược phẩm Pro Cuộc sống xanh (địa chỉ tại Khu 4A, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) sản xuất. Sản phẩm Procumin hiện đang được Công ty TNHH Dược phẩm Pro Cuộc sống xanh (địa chỉ tầng 6, tòa nhà MD Complex, số 68 Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) phân phối.
Dấu hiệu quảng cáo Procumin vi phạm pháp luật, ‘thổi phồng’ chất lượng sản phẩm
Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), sản phẩm Procumin thực chất chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên, thời gian qua, trên hàng loạt website (điển hình như các website: http://bsphon.com; https://thucphamduongnhan.com; https://hoanluu.com; https://topbanchay.info; https://sotaykhoedep.vn…) sản phẩm đang được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh, có công dụng điều trị các bệnh.
Cụ thể, trên nhiều website, Procumin được quảng cáo có công dụng: “Giúp triệt tiêu gốc tự do, giảm nguy cơ mắc bệnh u, bướu, ung thư; Tạo lớp màng bảo vệ tối ưu cho tế bào, chống lại lão hoá cơ thể, làm đẹp da và trị nám; Bảo vệ niêm mạc dạ dày, tá tràng; Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng; Giảm nguy cơ mắc bệnh về u bướu; Hỗ trợ bảo vệ gan; Phục hồi cơ thể sau phẫu thuật; Nâng cao khả năng chống oxy hóa của cơ thể…”.
Đặc biệt, có website còn khẳng định Procumin có khả năng “điều trị bệnh” viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, theo nội dung Giấy phép quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, sản phẩm Procumin không có những công dụng này.
Không chỉ dừng lại ở việc quảng cáo Procumin có công dụng giống với thuốc chữa bệnh, một số website còn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm Procumin đã được “Bộ Y tế kiểm định chất lượng, cấp giấy chứng nhận, cấp phép trên toàn quốc, kiểm định đạt 100% điểm chất lượng”.
Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Y tế mới chỉ cấp một loại giấy tờ duy nhất là Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Procumin chứ không cấp giấy chứng nhận về chất lượng hay bất cứ giấy tờ có hiệu lực pháp lý nào khác để đảm bảo về chất lượng của sản phẩm Procumin.
Nếu muốn biết chất lượng thực sự của sản phẩm này, cần qua các đợt kiểm tra, phân tích mẫu do cơ quan y tế tiến hành mới có thể xác định. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi nghi vấn liệu những đơn vị phân phối, quảng cáo Procumin có đang “mượn danh” Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm để tự “tâng bốc” chất lượng sản phẩm Procumin?
Chưa dừng lại ở đó, để tăng thêm niềm tin và lôi kéo người tiêu dùng mua sản phẩm Procumin, các trang website điện tử còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh, thư tín, phản hồi của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, liệt kê từng thành phần của sản phẩm (hành vi bị cấm, nhiều doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt). Tuy nhiên, việc những bệnh nhân, người tiêu dùng và cả bác sĩ có trong quảng cáo có nói những nội dung đó hay không thì chưa thể kiểm chứng?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Căn cứ những quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Procumin hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.
Đối với những thông tin phản ánh về việc sản phẩm Procumin quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty TNHH Pro Cuộc sống xanh (đơn vị sản xuất, phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo sai lệch này? Liệu những website quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm Procumin có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm Procumin không đúng như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/gian-doi-ve-chat-luong-san-pham-procumin-van-duoc-tung-ho-de-bay-nguoi-tieu-dung-a5560.html