Hà Nội: Kết nối giao thương hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đẩy mạnh công tác bán hàng, giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường đặc biệt là thị trường nội địa… sáng ngày 12/11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức khai mạc Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020.

Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô năm 2020 có các hoạt động chính là: Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc các ngành hàng: gốm sứ, sơn mài, khảm trai, thêu, lụa, mây tre đan, đồ gỗ…; kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng cao, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp nông thôn bền vững.

 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, đây là một trong những nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: Hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trưng bày giới thiệu và quảng bá sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng thủ công mỹ nghệ, đẩy mạnh bán hàng, giao thương, kết nối tìm kiếm thị trường đặc biệt là thị trường nội địa. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội.

“Với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ và sự hỗ trợ hiệu quả, tạo điều kiện tối đa từ Ban tổ chức, Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 sẽ là “đòn bẩy” hữu hiệu hỗ trợ ngành thủ công mỹ nghệ của Thủ đô vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đưa sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ra thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thanh Hải khẳng định.

Mang những sản phẩm nét nhất, đẹp nhất, phong phú nhất đến với hội chợ, bà Tạ Thu Hương - Nghệ nhân làng nghề nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) - chia sẻ, hiện nón không chỉ làm theo kiểu truyền thống mà đã được phối lại phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại như: Phối với lụa Hà Đông, nón to, nón nhỏ, nón lá già ghép sống, hàng mây tre đan đẹp phù hợp với thị hiếu thị trường. Những sản phẩm này hiện đã xuất khẩu đi Mỹ, Canada, Úc. Dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn. Cùng với bán hàng theo phương thức truyền thống, nhiều hộ sản xuất cũng đã chuyển sang hình thức kinh doanh online. Việc bán hàng online đòi hỏi bán giá đảm bảo, chất lượng đẹp đúng theo hình thức mà mình đã đăng bài, mẫu mã phải đa dạng phong phú, nhanh chóng giao hàng theo khách hàng đã đặt….

Cũng theo bà Tạ Thu Hương, cùng với việc bán hàng truyền thống và online, việc xúc tiến quảng bá sản phẩm là hết sức quan trọng. Đặc biệt, đưa sản phẩm tham gia hội chợ này sẽ là cơ hội tốt cho các nghệ nhân, làng nghề và địa phương tiếp cận khách hàng trong nước. “Tham gia hội chợ, chúng tôi kỳ vọng lớn nhất là được nhiều khách hàng đến thăm quan, mua sắm và chia sẻ với nhiều người tiêu dùng. Đây chính là kênh truyền thông rất hữu hiệu”, bà Tạ Thu Hương nói.

Sản phẩm tỏi đen Kochi của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghiệp Nhật Bản có mặt tại hội chợ. Nhiều chương trình khuyến mại được phía doanh nghiệp đưa ra như: mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1. Bà Vũ Thị Nga - nhân viên kinh doanh Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghiệp Nhật Bản - cho biết, ngoài xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, công ty cũng đẩy mạnh bán hàng tại thị trường trong nước. Tín hiệu đầu ra tại thị trường trong nước rất khả quan, hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng vùng trồng nguyên liệu tại Sa Pa, Điện Biên. Tham dự hội chợ, doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

Là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mây tre đan với lượng xuất khẩu chiếm 80%, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hân - Giám đốc Công ty TNHH Mây Việt - cho biết, thị trường nội địa đã được phía doanh nghiệp khai thác, tuy nhiên, việc có những hội chợ thủ công mỹ nghệ như Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 giúp kết nối để doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng cả kênh bán buôn và bán lẻ. “Những năm về trước, mây tre đan chủ yếu xuất khẩu. Những năm gần đây, do có những hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ giúp người dân trong nước biết đến làng nghề, biết đến các sản phẩm thủ công. Thị trường trong nước còn rất nhiều tiềm năng, do đó, chúng tôi thấy rằng cần quan tâm nhiều hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Hân nói.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ. Thành phố Hà Nội với thế mạnh là nơi tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 56 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 822 làng nghề; chế biến, bảo quản nông sản có 329 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 143 làng nghề. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Ngành thủ công mỹ nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Thủ đô.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn. Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, tính hết tháng 10/2020, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã có tín hiệu chuyển biến tích cực, các cơ sở công nghiệp nông thôn của Hà Nội đã có các đơn đặt hàng xuất khẩu. Trong 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng dương của Hà Nội, có 3 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2019, gồm có: Hàng gốm sứ: đạt 170 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,3%, tăng 6,9%; thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh: đạt 294 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,2%, tăng 1,9%; gỗ và sản phẩm gỗ: đạt 426 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,2%, tăng 5,8%.

Hội chợ hàng lưu niệm chất lượng cao Thủ đô 2020 với quy mô 200 gian hàng của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thành phố Hà Nội, dự kiến đón trên 9.000 lượt khách tham quan, giao dịch sẽ diễn ra từ ngày 12 - 15/11/2020 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội - 91 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Ghi nhận một số hình ảnh tại Hội chợ:

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (giữa) và bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội (ngoài cùng bên phải) tham quan gian hàng

Người tiêu dùng tham quan gian hàng tại hội chợ

Sản phẩm tỏi đen Kochi của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghiệp Nhật Bản có mặt tại hội chợ. Nhiều chương trình khuyến mại được phía doanh nghiệp đưa ra như: mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1

Nguyễn Hạnh

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/ha-noi-ket-noi-giao-thuong-hang-luu-niem-chat-luong-cao-thu-do-2020-a5664.html