Mái nhà chung ấm lòng những phận đời nghèo mang trọng bệnh

Người bệnh đến đây khám, châm cứu và nhận thuốc miễn phí bằng phương pháp y học cổ truyền để vượt qua cơn đau bệnh. Đây là thành quả từ sự cố gắng của những người có tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia, yêu thương những cảnh đời không may mắn.

Nghề dạy nghề

Nằm giữa trung tâm thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), chi hội Hưng Bình Tự được thành lập vào năm 1957, trực thuộc hội Đông y huyện Thới Bình. Chi hội chịu sự chỉ đạo của ban Trị sự tỉnh hội Cà Mau (Hưng Quản Tự) và được sở Y tế tỉnh Cà Mau cấp phép hoạt động.

Đến nay, phòng thuốc nam Hưng Bình Tự đã cứu chữa cho hàng chục ngàn bệnh nhân thoát khỏi những căn bệnh từ nhẹ đến nặng như: Cảm thương hàn, đau nhức xương khớp, tai biến, các bệnh về gan,…Tiếng lành đồn xa, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh khác như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang,… cũng lặn lội tìm đến chữa bệnh.

Vào những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp quay trở lại chi hội Hưng Bình Tự. Khi chúng tôi có mặt tại cũng là lúc chi hội bắt đầu khai trương sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán. Không phân biệt giàu nghèo, miễn ai đến khám có bệnh là phòng thuốc sẵn sàng tiếp nhận.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thìn, Trưởng Ban trị sự chi hội Hưng Bình Tự cho biết, tiêu chí của chi hội là “Tu học thành thiện, ích nước lợi dân” và tôn chỉ là “Phước huệ song tu”. Nghĩa là lấy niệm Phật làm căn bản, dùng y đạo để cứu người là niềm vui cho mình. Phòng thuốc Nam phước thiện bao gồm 2 khoa: Nam dược và châm cứu.

“Những ngày đầu thành lập, Chi hội có khoảng 50 vị. Đến nay đã là 642 vị. Y sĩ, y sinh làm việc trên phòng thuốc gồm 6 thành viên. Toàn bộ nguồn kinh phí cho phòng khám đều do các nhà hảo tâm, tín đồ và hội viên đóng góp. Nhiều người ở xa đến đây khám chữa bệnh miễn phí, có những người nguyện ở lại chi hội xin làm công quả để trả ơn. Cũng có người khi tới đây rồi về hết bệnh, giới thiệu cho bạn bè, người thân biết đến khám và bốc thuốc miễn phí”, bà Thìn tâm sự.

Chặt và phân loại cây thuốc.

Chỉ tay về phía y sĩ Lưu Ngọc Linh (quê tỉnh Kiên Giang), bà Thìn cho biết, ban đầu cô Linh bị bệnh đau nhức xương khớp, được mọi người giới thiệu đến Hưng Bình Tự để điều trị và hốt thuốc. Qua thời gian điều trị, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt. Khi hết bệnh, cô Linh nguyện xin ở lại Chi hội làm công quả để trả ơn. Trải qua thời gian học tập và rèn luyện tại lớp y sĩ châm cứu, hiện tại, cô Linh đã trở thành y sĩ giỏi của phòng thuốc.

“Tôi cũng đã từng bị bệnh và được chính phương pháp Đông y chữa khỏi nên tôi xin vào học lớp y sĩ châm cứu của phòng thuốc để sau này giúp đỡ lại những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi. Là Phật tử, tôi luôn tâm niệm rằng “lấy niềm hạnh phúc của mọi người là niềm hạnh phúc cho mình” và việc học nghề thuốc chính là đem y phương minh, một trong ngũ minh của Phật giáo để hoằng đạo”, cô Linh bộc bạch.

Cho đi chứ không nhận lại

Không chỉ nổi danh là một phòng khám Đông y miễn phí, chi hội Hưng Bình Tự còn được biết đến với nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác như: Cứu trợ vùng bão lụt, giúp đỡ người nghèo, phát quà cho học sinh mùa khai trường, tổ chức các bếp ăn từ thiện, tham gia các hoạt động về nguồn khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo,…Ngoài ra, chi hội còn hỗ trợ áo quan, lo ma chay cho những gia đình khó khăn có thân nhân qua đời.

Đặc biệt, tất cả những y sĩ, y sinh luôn để trong tâm mình chữ “thiện”, làm việc thiện cho đời và giúp người chứ không hề hưởng lương. Và tất cả mọi người nơi đây, ai cũng chỉ muốn làm việc gì đó để giúp đời chứ cũng không mong được hồi đáp thứ gì, vì họ cho đi chứ không muốn nhận lại.

Lương y khám bệnh tại phòng thuốc Hưng Bình Tự.

Bà Nguyễn Thị Đậm (ngụ ấp 6, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Trước đây, tôi bị bệnh tai biến, uống nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Tình cờ được người bạn giới thiệu chỉ qua chi hội Hưng Bình Tự có phòng khám thuốc miễn phí nên tôi quyết định xuống hỏi điều trị. Sau nhiều lần đến khám rồi lấy thuốc về uống, đến nay tôi thấy mình đỡ khá nhiều so với lúc trước. Đến khi khỏi bệnh tôi ở nhà chặt thuốc mang gửi vào chi hội nhằm giúp đỡ lại những bệnh nhân nghèo khác”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ khóm 5, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình) chia sẻ: “Lương y ở đây tận tụy lắm, theo dõi bệnh và điều chỉnh thuốc, cũng như phác đồ điều trị để có thể giúp bệnh nhân nhanh hết bệnh...”.Nói về hoạt động của phòng thuốc, bà Thìn cho biết thêm, trung bình mỗi ngày chi hội chữa bệnh từ thiện cho hơn 60 bệnh nhân, bốc khoảng 400 thang thuốc. Phòng khám hoạt động liên tục từ thứ 2 đến thứ 7. Nguồn thuốc Nam tại phòng thuốc rất đa dạng, chủ yếu vận động từ các vùng trên như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vũng Tàu, Kiên Giang,…

Hiện tại, tại phòng thuốc đã có hơn 200 vị thuốc, vừa là thuốc vườn, vừa là thuốc núi và có khoảng hơn 2 tấn thuốc khô được sắp xếp gọn gàng trong kho lưu trữ. Một số được trồng tại khuôn viên của chùa và nhà Phật tử. Do nhu cầu phát thuốc mỗi ngày rất lớn nên chi hội có hẳn một ban chuyên lo việc sưu tầm, sơ chế thuốc. Ban này có nhiệm vụ phân loại, chặt, phơi khô và xếp gọn vào kho thuốc.

Bà Thìn tâm sự: “Bệnh nhân đến khám tại phòng thuốc đa phần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều người mắc bệnh nặng mà không có điều kiện chữa trị. Với tôi, giữa bệnh nhân và thầy thuốc cần có sự tương quan về mặt tinh thần thì công việc chữa trị mới đem lại hiệu quả cao. Nhằm đáp lại sự kỳ vọng của bệnh nhân, các y sĩ, y sinh nơi đây đón tiếp bệnh nhân rất niềm nở và tận tụy”.

Thành quả xứng đáng

Với nhiều hoạt động và việc làm thiện nguyện, chi hội Hưng Bình Tự đã được Ủy ban mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh Cà Mau tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc công tác từ thiện; giấy khen của ban Trị sự tỉnh hội Cà Mau ; giấy khen của UBMTTQ huyện Thới Bình trong vòng 5 năm liên tục;… cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cá nhân qua các thời kỳ.

Việt Tâm

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/mai-nha-chung-am-long-nhung-phan-doi-ngheo-mang-trong-benh-a6355.html