Tác phẩm Trường Ca Biển - Ngọn cờ thi ca của chủ quyền biển đảo

“Năm 1977 tôi đã viết về biển ở chương cuối khép lại trường ca “Đường tới thành phố” nhưng lúc ấy vấn đề về biển Đông chưa quyết liệt như bây giờ..." - Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhờ thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1941, quê ở Duy Phiên - Tam Dương - Vĩnh Phúc. Ông đã tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau như Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Sau chiến tranh ông tốt nghiệp khóa I Viết văn Nguyễn Du tại Trường Đại học Văn hóa, làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, rồi Tổng biên tập báo Văn Nghệ, hiện là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban TƯ toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông đã in 15 tập thơ và tiểu luận phê bình, bút ký văn học và đã được trao các giải thưởng của báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học ASEAN; Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

huuthinh70-1608734115.jpg
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban TƯ toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Chắc hẳn ai cũng còn nhớ bài thơ "Sang Thu" được thế hệ các bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường đọc thuộc lòng. Nếu ở Sang Thu, nhà thơ Hữu Thỉnh thể hiện sự lãng mạn khi miêu tả rõ rệt những đổi biến của đất trời thì ông còn là một nhà thơ vô cùng mạnh mẽ với cái nhìn tiên tri, nhạy cảm về những vấn đề thời cuộc.

Trường ca Biển được viết cách đây 40 năm, khi đất nước đã thống nhất. Nếu ngày đó, chúng ta đang say trong men chiến thắng, hân hoan trong khoảnh khắc của tự do thì nhà thơ Hữu Thỉnh lại nhìn thấy một điều đặc biệt quan trọng mà ngày nay ta đang căng mình ra để bảo vệ - biển đảo.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: "Nếu như trường ca: “Sức bền của đất” lấy sức mạnh văn hóa của dân tộc làm nội lực tinh thần cho cuộc chiến đấu mới, “Đường tới thành phố” là sức mạnh của nhân dân dồn vào cuộc chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước thì “Trường ca biển” là cuộc chiến đấu lâu dài, quyết liệt để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc. Cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta trên biển Đông không bao giờ kết thúc, nó kéo dài từ đời này sang đời khác. Nối tiếp nhau hàng ngàn năm, đồng thời với tồn tại, phát triển và bảo vệ đất nước.”

screenshot15-1608734115.png

Trích đoạn "Đối thoại biển" trong tác phẩm Trường Ca Biển.  

Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài 3,260km và biển Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Biển vừa là nơi giao thương kinh tế, vừa là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Chính vì thế, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: "Một quốc gia muốn phát triển thì phải hướng ra biển, phải hướng tới biển của thế giới, phải có một nền kinh tế biển. Đấy là sự quan trọng của một quốc gia có biển. Ở một góc độ nào đó, đất liền và biển đảo là chủ quyền toàn vẹn của chúng ta, khi Tổ quốc của chúng ta ở thềm lục địa ngoài kia, Tổ quốc của chúng ta là biển khơi xa kia, nó gắn bó máu thịt với đất liền. Và trường ca Biển là một cách bổ sung mới vào văn học nghệ thuật của chúng ta.”

Nếu cách đây 45 năm, chúng ta đã dành được vinh quang với sự nghiệp giải phóng bảo vệ dân tộc. Thì bây giờ là một sự nghiệp mới với vô vàn thách thức trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ để tồn tại và phát triển. Đây là cuộc chiến trường tồn cùng thời gian, một phần máu thịt của dân tộc Việt.

"Sống với nước, hãy bắt đầu từ nước. Trước hết để khỏi chìm, sau đó mới bơi đi..."

Út Quỳnh

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/tac-pham-truong-ca-bien-ngon-co-thi-ca-cua-chu-quyen-bien-dao-a6965.html