Cụ thể, vào năm 1972, người điều khiển máy đào Raycho Marinov tình cờ phát hiện ra một nghĩa địa rộng lớn từ thời đại đồ Đồng, thiên niên kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nơi đây chứa đầy những đồ tạo tác bằng vàng lâu đời nhất từng được phát hiện gần thành phố Varna ngày nay. Phát hiện này đã trở thành một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất ở Bulgaria.
Trong khu nghĩa địa, người ta đã khai quật được hơn 300 ngôi mộ và hơn 22.000 cổ vật tinh xảo. Trong đó có hơn 3.000 vật phẩm làm từ vàng, tổng trọng lượng 6 kg. Các cổ vật quý giá khác cũng được tìm thấy như đồng, đá lửa chất lượng cao, công cụ bằng đá, đồ trang sức, vỏ động vật biển Địa Trung Hải, đồ gốm…
Qua phân tích bằng chứng tìm được và căn cứ vào sử liệu, các nhà khảo cổ đưa ra kết luận những ngôi mộ này thuộc về nền văn minh Varna.
Lưỡng Hà, Ai Cập và Thung lũng Indus được xem là những nền văn minh cổ xưa nhất trong lịch sử. Nhưng ít người nghe nói đến nền văn minh Varna xuất hiện trên bờ hồ Biển Đen vào khoảng 7.000 năm trước ở Bulgaria. Varna được xem là nền văn minh tiên tiến đáng kinh ngạc, cổ xưa hơn cả các đế chế của Lưỡng Hà và Ai Cập. Đặc biệt, Varna là nền văn hóa đầu tiên được biết đến có thể làm ra các đồ tạo tác bằng vàng.
Varna hiện là nơi có nghĩa địa thời tiền sử lớn nhất được biết đến ở Đông Nam Âu, phản ánh sự phong phú trong các tập tục văn hóa, các nghi lễ, một hệ thống tín ngưỡng cổ xưa và khả năng chế tác những món đồ tinh xảo, chuyên nghiệp. Nền văn minh Varna còn được so sánh như cái nôi của nền văn minh châu Âu.
Theo nghiên cứu, nghề chế tác vàng bắt đầu xuất hiện ở Varna trong khoảng thời gian từ năm 4600 đến 4200 trước Công nguyên. Khi xã hội Varna bắt đầu có những tiến bộ, nghề luyện đồng và vàng ngày càng phát triển. Họ bắt đầu giao thương với các nước láng giềng ở khu vực phía Bắc và phía Nam, cuối cùng mở rộng quan hệ thương mại trong khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải. Điều này có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của xã hội. Lúc bấy giờ Varna đã trở thành một trung tâm thương mại vô cùng thịnh vượng.
Hoạt động buôn bán phát triển giúp các nhà luyện kim tích lũy tài sản kếch xù. Kéo theo đó là sự xuất hiện khoảng cách xã hội, các nhà luyện kim ở tầng lớp cao nhất, tiếp theo là thương gia ở tầng lớp trung lưu và nông dân ở tầng lớp thấp hơn. Văn hóa Varna có một xã hội với cấu trúc cao, đã xuất hiện người cai trị hoặc người đứng đầu về quyền lực.
Nghĩa địa thời đại đồ Đồng khổng lồ được phát hiện gần thành phố Varna ngày nay đã cung cấp một cái nhìn sáng tỏ hơn về nền văn minh Varna bí ẩn này. Theo đó, những thành viên ưu tú hoặc có địa vị trong xã hội được chôn cất trong những tấm vải liệm có đính đồ trang sức bằng vàng. Ngôi mộ của họ chứa đầy kho báu quý giá trong khi những người khác được chôn cất đơn giản với một vài món đồ bình thường.
Trong nhiều mộ phần của tầng lớp tinh hoa được phát hiện có một ngôi mộ khá đặc biệt so với những ngôi mộ còn lại, được các nhà khảo cổ đặt tên là ngôi mộ số 43. Bên trong ngôi mộ là thi hài người đàn ông được chôn cất cùng một "kho báu" khủng. Rất nhiều vàng được tìm thấy trong ngôi mộ, số vàng này còn lớn hơn toàn bộ số vàng các nhà khảo cổ từng phát hiện ở các di chỉ của thời kỳ đồ Đồng. Điều này chứng tỏ nhân vật nằm trong mộ khi còn sống có địa vị rất cao. Vậy người đàn ông giàu có này là ai?
Dựa vào những bằng chứng thu thập được, các nhà khảo cổ học nhận định hài cốt bên trong ngôi mộ số 43 thuộc về một người cai trị hoặc lãnh đạo nào đó. Người này được chôn cùng với một vương trượng - biểu tượng của quyền lực cao cấp. Độc đáo hơn, người đàn ông trong mộ còn đeo một vỏ bọc bằng vàng nguyên khối bên ngoài dương vật. Tuy nhiên, đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra thân phận thực sự của người đàn ông này.
Cũng theo các nhà khảo cổ, vào cuối thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nền văn hóa Varna bắt đầu tan rã. Có giả thuyết cho rằng, sự suy tàn của nền văn minh Varna là kết quả của việc biến đổi khí hậu, những vùng đất trồng trọt rộng lớn bị biến thành đầm lầy và nước trũng, kèm theo đó là sự tấn công của các kỵ binh đến từ thảo nguyên.
Mặc dù không để lại hậu duệ trực tiếp nào nhưng nền văn minh Varna đã để lại nhiều di sản lâu dài cũng như tạo tiền đề cho sự xuất hiện của các nền văn minh tiếp theo trên khắp châu Âu. Họ cũng phát triển cấu trúc xã hội thể hiện nhiều đặc điểm của một nền văn minh phát triển và tiên tiến. Kỹ năng luyện kim của những người thuộc nền văn minh Varna vô cùng độc đáo, được xem là chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác tại châu Âu, thậm chí trên toàn thế giới.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/bi-an-bo-hai-cot-nguoi-dan-ong-co-cua-quy-boc-vang-trong-ngoi-mo-co-a7473.html