Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ
Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.
Tại điểm cầu UBND TP.HCM có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; các Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số sở, ngành và quận, huyện.
Theo báo cáo của sở Y tế TP.HCM, từ 6h ngày 10/7 đến 6h ngày 11/7, TP.HCM ghi nhận 1.403 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là khu vực cách ly, khu vực phong tỏa. Có 172 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 272 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Hiện TP.HCM đang điều trị 11.308 trường hợp, có 178 ca đang thở máy (8 ca cần can thiệp ECMO). Trong ngày 10/7, có thêm 49 trường hợp khỏi bệnh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 12.000 trường hợp mắc Covid-19.
Để tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch của người dân.
Cùng với đó là triển khai đồng bộ các biện pháp trong cách ly, xét nghiệm và điều trị. Khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng.
Theo hướng dẫn của ngành y tế, TP.HCM đang chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị với 50.000 giường để tiếp nhận, điều trị ca nhiễm Covid-19.
Đối với việc một số cửa hàng tiện lợi còn có hiện tượng hàng về chậm, tại một số thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, TP.HCM đã triển khai bổ sung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Lượng hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ổn định, không tăng giá.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân đang có sự nhầm lẫn về giá cả. Trong đó, thứ nhất là sự chênh lệch giá giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa trong nước, như rau củ của Australia thì cao hơn 2-3 lần so với rau củ cùng loại của Việt Nam.
“Hơn nữa, do các siêu thị dừng chương trình khuyến mại nên giá hàng hóa trở lại giá niêm yết ban đầu. Nhằm tạo điều kiện mua sắm thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người, TP.HCM đã phối hợp với tổ công tác của bộ Khoa học và Công nghệ cùng các doanh nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, định vị các điểm bán hàng”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.
Về công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn, theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM, kinh phí chăm lo cho các đối tượng khoảng 886 tỷ đồng.
Từ ngày 6/7 đến nay, UBND TP.HCM đã chi 70 tỷ đồng để chăm lo cho 45.000 đối tượng. Hiện nay, các quận, huyện đã chủ động ứng ngân sách địa phương để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc, lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ và người có hoàn cảnh khó khăn.
Ưu tiên, quyết liệt giữ khoảng cách an toàn
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của TP.HCM, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý một số vấn đề.
Về xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng công tác này cần phải đẩy nhanh hơn, tận dụng triệt để các thiết bị xét nghiệm. Phải lường trước các điểm có tỉ lệ F0 cao để có phương án hướng dẫn kịp thời.
“Bộ phận chuyên môn tại TP.HCM làm việc với bộ Y tế để xem xét, điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp. Hiện nay, thành phố đã triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều quan trọng khi thực hiện phương án này là phải làm sát với thực tiễn, kịp thời hướng dẫn các biện pháp để người dân an tâm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Phó Thủ tướng đồng tình với phương án rà roát toàn bộ danh sách công nhân để nắm bắt được tình hình sức khoẻ tổng thể, kích hoạt lại bộ tiêu chí an toàn Covid-19 trong sản xuất ở tất cả các đơn vị.
Trung ương vẫn tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP.HCM nhưng “cần có thời gian để phát huy hiệu quả”. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất trong thời gian này là giữ khoảng cách giữa người với người, nhà với nhà.
“Việc tiêm vaccine vẫn tiến hành theo kế hoạch nhưng tuyệt đối không chạy theo tiến độ, thành tích. Cần có kế hoạch cho nhân dân đăng kí tiêm qua mạng, lên lịch chi tiết các đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm. Tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình tiêm, không cấp tập tiêm trong vài ngày, tránh tình trạng tập trung đông đúc”, Phó Thủ tướng hướng dẫn.
Đối với công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin: “Hiện nay, đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ chấm thi đều được xét nghiệm và đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào chấm thi”.
Các phòng chấm thi đảm bảo giãn cách 10 người/phòng; không tạo áp lực về thời gian; không giao tiếp trong quá trình nghỉ giải lao, ăn uống; quá trình bàn giao bài thi, bài chấm… cũng được đảm bảo về giám sát, khử khuẩn, khoảng cách…
Phó Thủ tướng Vủ Đức Đam đề nghị địa phương không áp lực về thời gian, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn với dịch bệnh, không để một giáo viên nào trong khu chấm thi bị nhiễm Covid-19.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/tphcm-san-sang-50000-giuong-cho-benh-nhan-covid-19-a7510.html