TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19

TP.HCM chuyển đổi mô hình điều trị Covid-19, theo tháp 5 tầng. Hàn Quốc “chạy” mô hình tương tự, giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 2,1% so với trung bình của thế giới 7%.

Huy động bệnh viện tư nhân

Tính từ 19h ngày 25/7 đến 6h ngày 26/7, TP.HCM ghi nhận thêm 1.714 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng 26/7.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố có hơn 62.100 trường hợp mắc Covid-19.

Trong ngày 25/7, có thêm 2.115 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 14.704.

Hiện, đang điều trị 38.733 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh dương tính). Trong đó, có 657 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 561 bệnh nhân tử vong. 

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19

Hiện Thành phố đang điều trị 38.733 bệnh nhân dương tính (ảnh: HCDC).

Theo ngành y tế TP.HCM, để giảm áp lực cho các bệnh viện (BV) điều trị Covid-19, các quận/huyện, TP.Thủ Đức lập cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 và thay đổi mô hình điều trị Covid-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng”.

Theo đó, tầng 1 là cơ sở cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì. Tầng 2 là BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 cho F0 có triệu chứng và các bệnh nền kèm theo.

Tầng 3 là BV điều trị Covid-19 cho F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Tầng 4 là BV điều trị Covid-19 cho trường hợp nặng do bệnh nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 là BV hồi sức Covid-19 cho F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch.

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19 (Hình 2).

TP.HCM thay đổi mô hình điều trị Covid-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng” (ảnh: sở Y tế).

Cũng theo ngành y tế Thành phố, dù biến thể Delta lây lan nhanh nhưng theo thống kê cho thấy hơn 80% trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.

Do đó, việc cách ly tại nhà (với ưu điểm là người bệnh được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, tinh thần thoải mái) sẽ tốt hơn cho người bệnh, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.

Chiến lược của TP.HCM là chuyển dần sang điều trị. Do đó, các nguồn lực, tổ chức khoa học cần được tập trung để điều phối công tác trên có hiệu quả, giảm tử vong tỉ lệ tử vong.

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19 (Hình 3).

Khu cách ly F0 không triệu chứng với quy mô 300 giường mới đưa vào hoạt động tại quận 5 (thuộc tầng 1) (ảnh: HCDC).

Trong thời gian tới, TP này sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, TP.Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các BV dã chiến.

Đồng thời, huy động thêm các BV tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao. Mặt khác, nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế.

Áp dụng mô hình của Hàn Quốc?

Theo một đại diện sở Y tế TP.HCM, Hàn Quốc đang áp dụng mô hình trong điều trị Covid-19 cũng theo hình thức phân loại, phân tầng.

Tại Hàn Quốc, đội đặc nhiệm Covid-19 tiếp nhận ngay các thông tin về một trường hợp mắc Covid-19 mới và cùng với đội quản lý Covid-19 địa phương tiến hành phân loại ngay để phân bổ các trường hợp F0 mới về các điểm cách ly theo dõi, chăm sóc và điều trị tương ứng.

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19 (Hình 4).

Hàn Quốc đang áp dụng mô hình trong điều trị Covid-19 cũng theo hình thức phân loại, phân tầng (Ảnh: Sở Y tế).

Hệ thống này bao gồm: Cách ly tại nhà; cách ly tại cơ sở Covid-19 cộng đồng; tại BV tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3 (theo mô hình BV tách đôi) hoặc tại các BV điều trị Covid-19 (các BV được chuyển đổi công năng).

Theo đó, các địa điểm chăm sóc/điều trị được chia thành các khu vực khác nhau, bao gồm: (1) cách ly chăm sóc tại nhà, (2) cách ly chăm sóc tại các cơ sở Covid-19 cộng đồng, (3) cách ly điều trị tại các BV Covid-19 được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 và (4) cách ly điều trị tại các BV đa khoa tuyến 1 (tương đương tuyến huyện), tuyến 2 (tương đương tuyến tỉnh) và tuyến 3 (tương đương tuyến trung ương).

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19 (Hình 5).

TP.HCM cũng đã thành lập "tổ công tác đặc biệt" trong điều phối BN Covid-19 đến các BV và những vấn đề liên quan (Ảnh: HCDC).

Việc chọn lựa cơ sở điều trị nào là tuỳ thuộc vào kết quả phân loại bệnh nhân, cách tổ chức này đã giúp chia sẻ gánh nặng quá tải và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

Trong đó, BV điều trị Covid-19 chỉ chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Phần lớn là các đơn vị công lập và một số BV tư nhân tuyến 2, tuyến 3 cũng tham gia vào nhóm này.

Tổng cộng, có 67 BV cung cấp hơn 7.000 giường bệnh đã trở thành BV điều trị Covid-19 trên toàn quốc.

Các BV chuyên dụng Covid-19 điều trị bệnh nhân từ trung bình đến nặng hoặc nguy kịch tùy thuộc vào năng lực của mỗi cơ sở.

Ví dụ, BV Dongsan ở Daegu, một điểm nóng về Covid-19, có hơn 400 giường để chăm sóc chủ yếu cho những bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Nếu số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe và nguồn lực không đủ, họ có thể được điều động đến từ các BV khác.

Sự kiện - TP. Hồ Chí Minh thay đổi mô hình điều trị Covid-19 (Hình 6).

TP.HCM đang huy động tổng lực nhân viên y tế để chống dịch (Ảnh: HCDC).

Trong đợt bùng phát Covid-19, Hàn Quốc đã áp dụng các chiến lược đó ngay từ đầu. Ngoài ra, họ còn triển khai thêm các cơ sở Covid-19 trong cộng đồng và trung tâm cấp cứu Covid-19 chuyên tiếp nhận các trường hợp nguy kịch khi vượt quá khả năng của các cơ sở điều trị khác.

Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất (ngoài Trung Quốc) ngay từ khi dịch bắt đầu. Tuy nhiên, với những nỗ lực và các quy định nghiêm ngặt, số trường hợp mới mắc đã giảm bớt. Đáng chú ý hơn, tần suất tử vong ở Hàn Quốc là 2,1% so với tỷ lệ tử vong chung là 6-7% trên toàn thế giới. 

Tổng lực chống dịch

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn Thành phố đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng chống dịch. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi TP.HCM triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng mở một nhánh trong tổng đài 1022 để huy động chuyên gia y tế tham gia tư vấn sức khỏe cho người dân”.

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/tp-ho-chi-minh-thay-doi-mo-hinh-dieu-tri-covid-19-a7613.html