Đã 72 ngày kể từ thời điểm TP.HCM phát hiện F0 đầu tiên của ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Đến nay, TP.HCM có số ca mắc và tử vong cao nhất cả nước. Song bức tranh chống dịch của thành phố bắt đầu xuất hiện nhiều tín hiệu vui, cho thấy nỗ lực của chính quyền, ngành y tế đã đúng và hiệu quả.
Biểu đồ ca mắc mới đang đi ngang
TP.HCM đã ghi nhận 109.916 ca mắc Covid-19 (tính đến tối 5/8). Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định số F0 tại thành phố đang đi ngang đúng như dự báo.
Ngày 27/7, TP.HCM ghi nhận thêm 6.318 F0. Chỉ một ngày sau đó (28/7), số F0 mới ghi nhận là 4.449 ca, giảm 30%. Những ngày tiếp theo, lượng bệnh nhân mới trong ngày của thành phố giữ ở mức trên dưới 4.000 ca.
Đặc biệt, từ 4/8, lần đầu tiên sau gần 2 tuần, mức F0 mới về lại mốc 3.000 ca. Trong hai ngày 4-5/8, lượng bệnh nhân ghi nhận trong ngày đều dưới mốc 4.000 ca. Trong sáng nay (6/8), thành phố ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm.
Tốc độ tăng ca nhiễm trung bình mỗi ngày của thành phố đang có xu hướng chậm lại. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm tăng bình quân 1,5 lần/ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (tăng 6 lần bình quân/ngày).
Dù vậy, dịch đã lấn sâu vào cộng đồng, việc truy vết, các biện pháp đều phải thực hiện triệt để, gắt gao và nhanh chóng.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh nếu thực hiện nghiêm các quy định, cộng thêm sự hợp tác đầy đủ của người dân, sự nỗ lực của các lực lượng, tình hình dịch bệnh tại thành phố sẽ sớm ổn định và có chuyển biến tích cực.
Các ổ dịch đã được kiểm soát chặt, không phát sinh mới
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, thành phố hiện có 30 ổ dịch Covid-19 đang diễn tiến tại chợ (3); khu dân cư (24); công ty, khu công nghiệp (2) và cơ sở y tế (1). Sau nhiều nỗ lực điều tra, truy vết, tất cả ổ dịch này đều được khoanh vùng, giám sát chặt.
Theo bản đồ Covid-19 TP.HCM, huyện Bình Chánh đang là địa phương ghi nhận số F0 nhiều nhất với 11.894 ca nhiễm. Trong đó, 52 trường hợp được phát hiện ngoài cộng đồng; 1.345 dương tính khi tầm soát tại bệnh viện; 1.402 người lây nhiễm ở khu cách ly; 9.070 F0 ở khu phong tỏa.
Bình Chánh có 3 xã vùng xanh mà ngành y tế đang tích cực giữ sạch là Bình Lợi, Đa Phước và Quy Đức.
Quận Bình Tân xếp thứ hai toàn thành phố với 10.598 ca F0. Trong đó, 64 F0 được phát hiện ngoài cộng đồng. Số bệnh nhân còn lại được phát hiện ở khu cách ly (2.101), vùng phong tỏa (6.954) và sàng lọc tại bệnh viện (1.462).
Đây là khu vực tập trung hơn 236.000 công nhân lao động, chủ yếu sinh sống ở các khu nhà trọ, diện tích nhỏ, hẹp. Ngoài ra, khoảng 3.000 người buôn bán tự do, hàng rong.
Khu vực này cũng là nơi bùng phát nhiều ổ dịch lớn như chuỗi lây nhiễm liên quan chung cư Ehome 3, Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn (khu công nghiệp Tân Tạo)... Do đó, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng dịch tại quận Bình Tân là nguy cơ lây nhiễm từ các khu dân cư đông đúc nói trên.
Trên bản đồ Covid-19, huyện Cần Giờ là vùng xanh lớn nhất của toàn thành phố. Đây cũng là nơi ghi nhận ít ca mắc Covid-19 nhất với 391 F0. Trong số này, 245 bệnh nhân được ghi nhận trong khu phong tỏa, 116 người ở khu cách ly và 24 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Không trường hợp nào được phát hiện ngoài cộng đồng.
Các bệnh nhân tập trung ở xã Bình Khánh. Trong khi đó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ có thể xem là "vùng xanh trong vùng xanh". Bởi khu vực này chỉ phát hiện 2 trường hợp nhiễm trong khu cách ly và sàng lọc tại bệnh viện.
Ngoài ra, theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, 24 ổ dịch bùng phát trong khu dân cư tại 5 quận (4, 5, 10, Tân Bình, Bình Thạnh) đều đang được kiểm soát chặt.
Các quận, huyện như Phú Nhuận, Củ Chi, quận 5 ở mức dưới 3.000 bệnh nhân Covid-19. Bản đồ Covid-19 tại những khu vực này bắt đầu chuyển dần từ đỏ sang xanh như phường 4, 10, 15 (quận Phú Nhuận); hầu hết huyện Củ Chi (trừ xã Tân Phú Trung, Trung An, Bình Mỹ, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Hội); toàn bộ quận 5.
F0 xuất viện và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh
"Bảo vệ tính mạng người dân là mục tiêu trên hết, trước hết" - là điều mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp về tình hình dịch của thành phố.
Quan điểm, mục tiêu này cũng chính là nỗi trăn trở của Bộ Y tế. Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong, Bộ Y tế đã điều các lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương của Bộ Y tế vào thành phố để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.
Với những nỗ lực nâng cấp khối điều trị, bổ sung chuyên gia, thầy thuốc liên tục, lượng F0 được xuất viện tại tâm dịch lớn nhất cả nước tăng mạnh. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho thấy tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng 6/8 là 46.795.Tại TP.HCM, các quyết sách chống dịch được chuyển trọng tâm từ xét nghiệm sang điều trị. Số bệnh viện dã chiến và bệnh viện hồi sức Covid-19 được thiết lập với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Thành phố hiện có 16 bệnh viện dã chiến, 4 trung tâm hồi sức cấp cứu.
Đặc biệt, nhiều ngày thành phố có số F0 xuất viện lên tới hàng nghìn ca. Thời điểm 20/7, thành phố có 528 ca mắc Covid-19 xuất viện một ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, số F0 ra viện tăng gấp 3 (1.585 ca vào 21/7).
Tốc độ F0 đủ điều kiện xuất viện trong 14 ngày trở lại đây tăng vọt. Đây là dấu hiệu tích cực, đồng thời giảm áp lực cho khối điều trị.
Song song với số F0 xuất viện tăng nhanh, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 của thành phố cũng tỷ lệ thuận. Theo thông tin từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, tính đến sáng 6/8, TP.HCM đã tiêm được 1.791.737 liều vaccine Covid-19.
Con số này chiếm 25,72% trong số hơn 6,9 triệu dân số cần được tiêm chủng.
Trong đó, thống kê từ Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, thành phố Thủ Đức đang là khu vực có số lượng tiêm nhiều nhất với 266.823 liều; riêng ngày 5/8 có thêm 17.766 người được tiêm.
Thành phố đặt mục tiêu 70% dân số từ 18 tuổi trở nên được tiêm vaccine trong tháng này. Để đạt được kế hoạch đề ra, TP.HCM đề xuất Bộ Y tế cấp 5-5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8. Từ đề nghị của TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên cấp tiếp vaccine phòng Covid-19 cho TP và các tỉnh phía nam; xây dựng phương án phân bổ các lô vaccine tiếp theo.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố có thể đạt tốc độ 300.000 liều/ngày theo công suất của 1.200 đội. Nếu được cấp vaccine đúng tiến độ, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tầng 3, 4, 5 gần như đã hoạt động hết công suất. TP.HCM đang điều trị 33.378 trường hợp. Trong đó, 2.070 người cần được hỗ trợ hô hấp; 1.331 trường hợp nặng, trong đó có 39 trường hợp cần lọc máu, 15 trường hợp phải sử dụng ECMO.Giữa những điểm sáng tích cực của bức tranh chống dịch Covid-19 sau hơn 3 tháng, TP.HCM vẫn còn rất nhiều áp lực cần giải tỏa.
Phó bí thư Phan Văn Mãi trong cuộc họp chiều 5/8 bày tỏ: "Càng ngày càng đông người cần điều trị, chuyển nặng và nặng hơn, trong khi trang thiết bị, nhân lực có giới hạn, tạo ra áp lực rất lớn".
Có thể nói, TP.HCM đang đi đúng hướng trong công cuộc chống chọi với Covid-19. Những tín hiệu tích cực báo hiệu các chiến lược và sự nỗ lực suốt 72 ngày qua đã dần đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong thời điểm quan trọng này, TP.HCM vẫn rất cần sự tuân thủ của người dân để cuộc chiến nhanh chóng được chấm dứt.
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/nhung-tin-hieu-tich-cuc-sau-hon-3-thang-chong-dich-cua-tphcm-a7725.html