Nghệ sĩ Bạch Mai trút hơi thở cuối cùng vào khuya 25/8 tại Bệnh viện An Bình sau một tháng điều trị Covid-19. Sự ra đi của ngôi sao kỳ cựu cải lương tuồng cổ miền Nam để lại niềm tiếc thương với đồng nghiệp, giới mộ điệu.
NSƯT Kim Tiểu Long nói: "Mẹ Mai là linh hồn của gia tộc Huỳnh Long. Mẹ ra đi, sân khấu cải lương cũng mất một trụ cột. Nghệ sĩ chúng tôi mất một chỗ dựa tinh thần".
Nghệ sĩ đa tài, có nhiều vai không thể thay thế
Theo NSƯT Kim Tiểu Long, nghệ sĩ Bạch Mai và NSND Thanh Tòng là hai đại diện tiêu biểu của cải lương Hồ Quảng miền Nam. Nếu Bạch Mai là nghệ sĩ nổi bật của đoàn Huỳnh Long, NSND Thanh Tòng là đại diện của đoàn Minh Tơ.
Nghệ sĩ Bạch Mai từng là cô đào đa năng của sân khấu cải lương miền Nam. Ảnh: Thanh Hiệp. |
"NSND Thanh Tòng qua đời năm 2016. Bây giờ, mẹ Bạch Mai cũng ra đi. Khoảng trống này của sân khấu cải lương không thể khỏa lấp được. Tôi cùng các anh chị đồng nghiệp Ngọc Huyền, Thoại Mỹ... đều cảm thấy hụt hẫng, đau lòng", anh nói.
Nghệ sĩ Bạch Mai thành danh từ những năm đầu của thập niên 1960. Bà làm đào chính từ năm 15 tuổi với vai Mạnh Lệ Quân trong vở cải lương cùng tên. Nữ nghệ sĩ nhanh chóng tỏa sáng nhờ khả năng diễn xuất biến hóa, tinh tế, giọng hát cảm xúc.
Hơn thế, bà thừa hưởng tình yêu nghề từ cha mẹ - nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng - Bảy Huỳnh và Ngọc Hương. Đồng hành cùng bà cũng là các anh chị em ruột tài năng của sân khấu cải lương như Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga...
Sau này, Bạch Mai kết hôn với nghệ sĩ Đức Lợi, cả hai tiếp tục song kiếm hợp bích, trở thành cặp ngôi sao biểu diễn ăn ý.
"Thập niên 1960-1970, khán giả không ai không biết tới cặp nghệ sĩ Bạch Mai - Đức Lợi của đoàn Huỳnh Long. Tên tuổi của mẹ khi ấy là bảo chứng phòng vé", Kim Tiểu Long nhấn mạnh.
Với Ngọc Huyền, sư phụ Bạch Mai là nghệ sĩ đa tài, có thể diễn giỏi các loại vai như đào thương, đào võ, đào độc, đào lẳng.
Theo cô, nghệ sĩ Bạch Mai là độc nhất, không có đối thủ khi thể hiện các vai diễn Mạnh Lệ Quân của vở diễn cùng tên, Phi Giao ở Xử án Phi Giao, Lưu Kim Đính trong Lưu Kim Đính giải giá thành Thọ Châu...
Người chắp cánh cho các tài năng cải lương
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất lừng lẫy, Bạch Mai còn là người thầy, sư phụ hết lòng truyền nghề cho thế hệ các nghệ sĩ cải lương như Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Vũ Linh, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm...
Ngọc Huyền và Kim Tử Long thành danh nhờ sự giúp sức của nghệ sĩ Bạch Mai. |
Nữ nghệ sĩ đã phát hiện khả năng của NSƯT Ngọc Huyền khi cô mới 8 tuổi. Và cô thừa nhận nhờ sự dìu dắt của sư phụ mới có một Ngọc Huyền tỏa sáng những năm 1990.
Vốn xuất thân từ cải lương xã hội, Kim Tiểu Long cho biết anh hát được Hồ Quảng là nhờ nghệ sĩ Bạch Mai.
Anh kể: "Lần đầu tôi hát ở đoàn Dạ Lý Hương vở diễn của mẹ. Mẹ đã hết lòng chỉ dẫn tôi. Sau này, mỗi lần thu âm, quay hình, mẹ đều có mặt, chỉnh cho tôi cách ca, nhấn nhá để đúng kiểu Hồ Quảng".
Ca sĩ Quang Thành - người từng hợp tác với nghệ sĩ Bạch Mai ở một số tiểu phẩm - nhận định cuối thập niên 1980 và đầu 1990 là giai đoạn hoàng kim của thương hiệu Huỳnh Long. Hàng loạt các vở diễn do nghệ sĩ Bạch Mai viết như Xử án Phi Giao, Ngũ biển báo phụ cừu, Con gái mạnh lệ Quân, Mai trắng xe duyên, Thập tứ nữ anh hào, Giang sơn mỹ nhân, Sở Vân cưới vợ... đã tạo nên sức hút, kéo lớp lớp khán giả đến với đoàn Huỳnh Long.
"Đây có thể được xem là đại bang thời bấy giờ. Và cũng từ sân khấu này nhiều tài năng sân khấu tỏa sáng, trở thành ngôi sao phòng vé nhờ tài soạn tuồng, đạo diễn và truyền nghề của nghệ nhân Bạch Mai cùng gia đình", anh nói.
Trong đó, sự thành công của Ngọc Huyền không thể không nhắc tới nghệ sĩ Bạch Mai.
Nhờ vở diễn Xử án Phi Giao, bà đo ni đóng giày cho Ngọc Huyền mà nữ nghệ sĩ trở thành ngôi sao ăn khách thập niên 1990. Đa số khán giả cho rằng diễn xuất ấn tượng của Ngọc Huyền trong các phân cảnh tâm lý nặng, lúc Phi Giao thể hiện đam mê quyền lực đến khi ăn năn, hối hận đều mang dấu ấn của nghệ sĩ Bạch Mai.
Ngọc Huyền và Kim Tử Long trong lần tập vở Xử án Phi Giao vào năm 2017. Ảnh: Bá Ngọc. |
Ngọc Huyền thừa nhận: "14 tuổi tôi hát đào chính. Từ đó đến nay, tất cả vai diễn của tôi đều do sư phụ hướng dẫn. Sau này, tôi còn tập viết tuồng, cũng là từ cái duyên của thầy mang tới".
Sau này, khi cải lương thoái trào, nghệ sĩ Bạch Mai vẫn đau đáu với nghệ thuật. Bà kiên trì truyền nghề và giữ lửa cho lớp nghệ sĩ trẻ của đoàn Huỳnh Long, trong đó có con gái Bình Tinh.
Và hẳn nữ nghệ sĩ sẽ phần nào cảm thấy an tâm khi Bình Tinh đủ mạnh mẽ, đam mê nghề để nối nghiệp mẹ.
Theo: Zing
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/nghe-si-bach-mai-qua-doi-san-khau-cai-luong-viet-mat-tru-cot-a7948.html