Đợt bùng phát lần thứ tư kéo dài với diễn biến phức tạp, nhiều biến chủng nguy hiểm cấp độ cao, tốc độ lây lan mạnh tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã gây những thiệt hại đáng kể cả về người và kinh tế Việt Nam.
Khó khăn nói trên là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải được ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc tổng công ty May 10 chia sẻ tại phiên hiến kế “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” sáng 10/9.
Thời gian vừa qua, không chỉ riêng ngành may mặc mà hầu hết các doanh nghiệp đều gặp vô vàn khó khăn. Ngoài những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng do đại dịch phải phá sản, đóng cửa thì nhiều doanh nghiệp đang hoạt động đều cảm thấy mệt mỏi vì sự bất ổn định, mập mờ của các yêu cầu chống dịch tại các địa phương.
Theo chia sẻ của ông Thân Đức Việt, công ty May 10 sử dụng rất nhiều lao động, hơn 12.000 cán bộ công nhân viên bao gồm cả liên doanh liên kết tại 7 tỉnh, thành. Chính vì vậy, khi áp dụng thực hiện Chỉ thị 16, 16+ khiến sản xuất phân tán, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Vị CEO này cũng nhìn nhận việc phải sống chung với dịch là tất yếu nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, vì xác định không thể nào chống dịch tuyệt đối.
“Tôi lấy một ví dụ có thể sẽ khập khiễng nhưng nó là sự thật báo động, rằng mạng sống của con người là quan trọng nhất, một người dân tử vong vì dịch Covid-19 thì đó là chuyện rất đau thương, nhưng khi cả một doanh nghiệp "chết" thì nó sẽ liên quan đến cả hàng nghìn, chục nghìn lao động. Những hệ luỵ về an sinh sẽ rất báo động”, ông Việt dẫn chứng.
Lãnh đạo của May 10 cũng chia sẻ về việc duy trì sản xuất của doanh nghiệp thời gian vừa qua. Việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” khiến lao động trong doanh nghiệp chỉ đi làm từ 30-50% nhưng chi phí đội lên 4 - 5 lần, doanh thu thì giảm một nửa.
Còn phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” thì công nhân của công ty lại “mắc kẹt” tại các điểm kiểm dịch. Bởi quy định là cho doanh nghiệp được phép hoạt động, nhưng công nhân của doanh nghiệp thì bị xã, phường, thôn bắt phải ở yên tại chỗ. Đó là câu chuyện đã được gỡ bỏ nhưng để thấy rằng chống dịch tại địa phương còn nhiều bất cập.
Ngoài chi phí sản xuất lớn, một trong những khó khăn được doanh nghiệp nêu thêm là câu chuyện về chi phí vận chuyển đang rất cao. Theo tính toán của ông Việt, đi từ Hà Nội đến Nam Định chi phí cho mỗi chuyến xe tải là 500.000 đồng, nhưng chi phí xét nghiệm hết cả triệu đồng.
“Chi phí xét nghiệm toàn bộ cho công nhân của May 10 trước đây là 1,3 tỷ đồng, giờ giá một kít thử còn 100.000 đồng thì cũng là 1 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này so với vắc-xin thì tiền vắc-xin ít hơn rất nhiều. Chi phí là một chuyện nhưng còn là uy tín sản xuất với bên giao hàng nên công ty phải cố gắng, bởi nếu lỡ vận chuyển một tuần thì phải giao bằng máy bay, chỉ cần một lần thì chi phí đã rất lớn”, ông Việt cho hay.
Sau những chia sẻ, ông Việt nói rằng với doanh nghiệp, việc đóng cửa “ngủ đông” tốt hơn là phải chiến đấu, “nhưng vì dịch không biết khi nào mới có thể hoàn toàn kiểm soát, trong khi nếu doanh nghiệp ngủ đông quá lâu thì sợ không thức dậy được, lúc đó đánh mất đơn hàng, mất thị trường kinh doanh sẽ còn nguy hiểm hơn”.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cũng cho biết, doanh nghiệp hoạt động không thể ở mãi trong tình trạng lo lắng, rằng hôm nay hoạt động thì ngày mai có được hoạt động nữa không.
“Doanh nghiệp chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế hoạt động liên tục và sẵn sàng ứng phó trong các tình huống. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã xác định sống chung với dịch, vì sẽ không còn lựa chọn nào khác”, ông Ngữ nói và cho rằng, doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ nhân viên, người thân của họ phải an toàn.
Không chỉ xác định sống chung với dịch, mà ban lãnh đạo Thành Thành Công – Biên Hoà còn chủ động thay đổi mục tiêu, phương thức kinh doanh trong những tháng cuối năm và trong năm tới.
Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean nhìn nhận: Do thành tích chống dịch tốt nên doanh nghiệp Việt Nam có thời gian dài tận dụng lợi thế đó để sản xuất. Kết quả thấy rõ là xuất khẩu của năm 2020 và nửa đầu năm 2021 rất tốt.
Tuy nhiên, điều này vô tình tạo cho doanh nghiệp bất lợi là quá tập trung sản xuất bù lại phần thiếu hụt của thế giới mà không có thời gian để xây dựng quy trình sản xuất an toàn.
“Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đáng lý ra vẫn hoạt động nhưng lại không thể hoạt động độc lập được vì còn nằm trong các địa phương. Giống như khi Đồng Nai, TP.HCM giãn cách khiến doanh nghiệp cũng không thể sản xuất”, ông Thành nhìn nhận.
Theo ông Vũ Tú Thành, để có thể tính đến lộ trình mở cửa an toàn thì Chính phủ nên tính đến câu chuyện phân loại các doanh nghiệp theo năng lực đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí sản xuất an toàn. Và tiếp tục tập trung nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp còn đuối sức.
“Chúng ta làm sao để khi mở cửa trở lại thì tất cả đều có cùng mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Lúc đó, mở cửa kinh tế mới thực sự có khái niệm kinh doanh an toàn và phát triển. Bởi không thể mở cửa khi doanh nghiệp này đáp ứng tốt, nhưng doanh nghiệp kia lại không thể đáp ứng”, ông Thành chỉ ra.
Cũng liên quan câu chuyện an toàn sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch hiệp hội Da giày, túi xách - cho rằng, cần có sự hướng dẫn, đào tạo cho đội ngũ y tế tại chỗ cho doanh nghiệp vì bản chất là doanh nghiệp không có nhiều kiến thức cũng như tính chuyên môn về y tế.
Bà Xuân đánh giá việc mở lại sản xuất và muốn tận dụng được tính nội lực thì về phía các cơ sở y tế địa phương nên tập huấn tổ chức đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp tự xây dựng được hệ thống y tế tại chỗ trong chính doanh nghiệp mình.
“Thực tế hiện nay, khi gặp vấn đề gì báo cáo với địa phương, y tế địa phương thì thời gian mất 3-5 ngày. Nhưng nếu được đào tạo thì đội ngũ y tế tại chỗ của chính doanh nghiệp sẽ chủ động để có thể sơ cứu ban đầu, phần nào đó giảm tải áp lực, doanh nghiệp cũng yên tâm hơn trong việc ứng phó”, bà Xuân nêu ý kiến.
Còn ông Thân Đức Việt cũng nhấn mạnh việc nếu đã giao trách nhiệm cho địa phương thì cũng phải giao trách nhiệm cho nhóm doanh nghiệp. Mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ chức là 1 pháo đài.
“Và tôi cũng nghĩ rằng, mỗi người lao động cũng là 1 chiến sĩ, mỗi 1 doanh nghiệp của chúng tôi cũng 1 là 1 pháo đài chống dịch. Với điều kiện y tế đầy đủ như May 10 thì chúng tôi xin phương án tự chủ cả trong điều trị F0, vì hiện đã có phác đồ cho F0 điều trị tại nhà, doanh nghiệp cũng có thể làm được”, CEO May 10 khẳng định.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/doanh-nghiep-muon-ngu-dong-nhung-so-khong-thuc-day-duoc-a8138.html