Chân dung những người miền Tây trên hành trình hồi hương

Khi TP.HCM, Bình Dương nới lỏng giãn cách, những lao động nghèo ở miền Tây trở về quê hương sau nhiều tháng thất nghiệp.

Nguoi mien Tay ve que anh 1

Chị Trần Thị Nữ (35 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng chồng, bà ngoại và hai cậu con trai rời Bình Dương về quê sau 3 tháng thất nghiệp. Bà ngoại cho hai cháu lên Bình Dương chơi từ tháng 5, sau đó bị kẹt lại đến bây giờ. "Về được đến quê thì tôi ở dưới đó luôn, không lên nữa", chị Nữ nói.

Nguoi mien Tay ve que anh 2

Anh Phan Nhật Đức (24 tuổi, quê Vĩnh Long) một mình lên Bình Dương làm việc được gần một năm. Hơn qua 3 tháng qua, anh Đức phải dùng tiền tiết kiệm để chi trả tiền nhà, ăn uống và sinh hoạt. Bình Dương nới lỏng giãn cách nhưng anh Đức vẫn chưa thể đi làm. Tối 2/10, anh trả nhà trọ và về quê.

Nguoi mien Tay ve que anh 3

Anh Huỳnh Thành Triển (32 tuổi, quê Hậu Giang) cùng vợ và hai con gái rời Bình Dương để về quê tối 2/10. Cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp và phải xin nợ 3 tháng tiền nhà. "Những tháng đầu còn chút tiền dành dụm thì đủ ăn, nhưng lâu ngày thì tiền hết, đành phải về quê", anh Triển ngậm ngùi.

Nguoi mien Tay ve que anh 4

Anh Nguyễn Văn Dư (31 tuổi, quê An Giang) cùng vợ mang theo đống đồ đạc về quê. Hai vợ chồng làm công ty điện tử nhưng chưa kịp ký hợp đồng thì dịch Covid-19 đến, thất nghiệp đã gần 4 tháng. "Gia đình khó khăn dưới quê, lên đây mong muốn làm ăn kiếm tiền mà không ngờ còn tệ hơn nữa", anh Dư nói.

Nguoi mien Tay ve que anh 5

Chị Mang Thị Ngọ (26 tuổi, quê Bạc Liêu) cùng chồng và con gái 4 tuổi đi xe máy về quê. Chị Ngọ lên Bình Dương làm ăn từ năm 2015, lấy chồng và sinh con tại đây. "Tôi cứ nghĩ đến tháng 10 được đi làm trở lại mà không phải, thấy mọi người nói được qua chốt rồi nên về quê, ở lại không trụ được", người phụ nữ nói.

Nguoi mien Tay ve que anh 6

Ông Kim Thanh Hiền (59 tuổi, quê Trà Vinh) cùng 3 người cháu lên thành phố Thuận An (Bình Dương) làm xưởng gỗ từ đầu tháng 5. Sau khi dịch bùng phát, 4 người thất nghiệp, không có thu nhập. Không có xe máy, ông Hiền cùng 3 người cháu quyết định đi bộ về quê ở huyện Trà Cú, quãng đường gần 200 km.

Nguoi mien Tay ve que anh 7

Vợ chồng anh Lê Thanh Tài và chị Nguyễn Thị Ngân (quê An Giang) lên Bình Dương được 4 tháng thì 3 tháng mất việc vì dịch. Hai vợ chồng trẻ cầm cự bằng cách nhờ gia đình ở quê gửi tiền lên. "Giờ này chỉ mong được về nhà là mừng", đôi vợ chồng trẻ nói.

Nguoi mien Tay ve que anh 8

Anh Nguyễn Chí Tâm (28 tuổi, quê An Giang) thất nghiệp hơn 2 tháng, từ khi Bình Dương áp dựng Chỉ thị 16 toàn tỉnh. "Những tháng rồi gia đình tôi phải nhờ mẹ già 60 tuổi ở quê gửi tiền lên để trang trải cuộc sống", anh Tâm chia sẻ.

Nguoi mien Tay ve que anh 9

Chị Võ Út Nhi (26 tuổi, quê Long An) cùng hai con gái ngồi chờ xét nghiệm Covid-19 tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình giáp danh giữa Bình Dương và TP.HCM. "Cũng lo lắng đi trên đường sẽ bị chặn lại nhưng không có việc thì cũng không có tiền để nuôi con, đành phải đi thôi", chị nói.

Theo: Zing

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/chan-dung-nhung-nguoi-mien-tay-tren-hanh-trinh-hoi-huong-a8403.html