Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku

Sự ra đi của Phi Nhung để lại nhiều dư âm xáo động tâm tình nhiều người. Từ Mỹ, nhà văn - thi sĩ Đỗ Văn Trọn - người từng mời Phi Nhung trình diễn trong nhiều chương trình - vừa gửi về cho Tuổi Trẻ Online bài viết tưởng nhớ người em đồng hương.

Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku - Ảnh 1.

Ca sĩ Phi Nhung cầu nguyện cho Sài Gòn vượt qua đại dịch COVID-19

Phi Nhung sinh ra ở miền đất đỏ Pleiku. Tôi cũng vậy, nơi một thành phố nhỏ tình thân gắn bó. Phố núi đìu hiu "đi dăm phút trở về chốn cũ…". Có những buổi sáng se lạnh, sương mù giăng thấp không nhìn thấy nhau.

Buổi trưa, nắng bụi cao nguyên. Buổi chiều, mưa bạt ngàn. Buổi tối, gió núi lạnh buốt từng hồi, co rút trong chiếc chăn dày cộm bên cạnh than hồng, củi đốt để sưởi ấm. Một ngày có đến bốn mùa, xuân - hạ - thu - đông.

Nhà của Phi Nhung trong khu Đức An, trước đây là khu Dinh Điền, đa số người Bắc sống ở đây. Họ sống bằng nghề nông, trồng hoa quả và rau rừng. Đó là một khu rất sùng đạo, có một nhà thờ lớn.

Một lần, tôi đến thăm dì của Phi Nhung, con đường đất đỏ trơn trợt, đất bám vào còn cao hơn đế giày. Phi Nhung vòng tay chào tôi: "Thưa chú…". Tôi linh cảm ở cô bé có gì khác thường…

Sau đó, tôi không về lại Pleiku nữa. Tôi bặt tin về gia đình Phi Nhung. Năm 1989, Phi Nhung cùng gia đình đến Mỹ theo diện con lai.

Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku - Ảnh 2.

Phi Nhung và con gái Wendy Phạm. Wendy không chọn con đường nghệ thuật như mẹ mà theo học ngành y tá và tốt nghiệp thủ khoa tại một trường nổi tiếng ở Mỹ.

"Nữ hoàng" của nhạc tình quê hương

Đầu thập niên 90, ca sĩ Trizzie Phương Trinh gửi gắm cô em kết nghĩa Phi Nhung từ Tampa - Florida đến Quận Cam để bước vào sân khấu nghệ thuật. Tôi không mường tượng Phi Nhung là cô bé ngày nào ở Đức An - Pleiku.

Một ngày nọ, tôi gặp Phi Nhung, cô nhí nhảnh nói: "Em gọi anh là chú hay anh đây? Anh là bạn của dì em và là người đồng hương đó nha! Có chương trình văn nghệ nào anh tổ chức phải mời em đó…". Và tôi đã mời Phi Nhung trình diễn trong nhiều sô.

Phi Nhung thành danh rất nhanh, ngay từ tiếng hát đầu tiên cất lên đã được đón nhận. Tên tuổi của Phi Nhung vang lừng, quả là một giọng hát đặc biệt.

Giọng ca Phi Nhung như tiếng chuông ngân nga thánh thót, chạm vào trái tim người nghe. Phi Nhung trở thành một hiện tượng, một giọng hát đi vào lòng người và ở lại đến ngày hôm nay.

Gọi Phi Nhung là "Nữ hoàng" của nhạc tình quê hương, thật đúng với mỹ từ này. Phi Nhung được yêu thích không những từ người hâm mộ mà trong giới nghệ sĩ cũng quý mến Phi Nhung ở tính cách hiền lành, tử tế của cô.

Phi Nhung có một tiếng hát trữ tình/đẹp, một đôi mắt buồn/đẹp, một nhân cách đẹp.

Năm 2005, Phi Nhung về Việt Nam chọn quê nhà cho phần đời còn lại. Phi Nhung nổi bật hơn nữa trên sân khấu ca nhạc. Lời ca của Phi Nhung vọng lại một âm hưởng quê hương, có mặt khắp mọi nẻo đường của đất nước, từ thành phố đến thôn quê, trên những dòng sông Cửu Long, sông Hương, sông Hồng…

Ý nguyện của Phi Nhung được mở ra từ đây. Niềm mơ ước thầm kín của Phi Nhung được khỏa lấp bởi tuổi thơ lạc loài - thiếu thốn tình thương được chia sẻ bằng chính tình cảm của Phi Nhung trao gửi bảo bọc những em bé mồ côi.

Phi Nhung làm nhiều việc công đức, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, xây dựng một đại gia đình hạnh phúc với 23 người con trong tiếng "Mẹ" nồng nàn tình mẫu tử mà Phi Nhung từng khao khát.

Phi Nhung gọi mẹ bằng "Má". Một âm thanh êm ả bao la chất chứa mà Phi Nhung không thể nào diễn tả hết bằng tiếng hát của mình. Phi Nhung không bao giờ trách cứ mẹ, mà còn yêu thương nhiều hơn nữa. Hoàn cảnh và định kiến xã hội khiến người mẹ phải đành lòng xa con trong một thời gian.

Năm 10 tuổi, Phi Nhung rời Pleiku về Cam Ranh sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Nhưng chỉ được vài năm thì mẹ Phi Nhung mất, để lại 5 người con cùng mẹ khác cha. Trách nhiệm nặng nề trên đôi vai tuổi thơ, Phi Nhung trở về lại Pleiku để cùng ông bà ngoại và mấy dì nuôi dưỡng các em.

Phi Nhung kiếm sống bằng nhiều nghề, từ việc bán trà nóng trong khu Chợ Mới, thêu thùa may vá, cơ cực tảo tần sớm hôm.

Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku - Ảnh 3.

Hình chụp tại Cam Ranh năm 1980 - Mẹ, Phi Nhung và hai em

Một tấm lòng nhân ái

Có một lần, tình cờ tôi gặp Phi Nhung ở phi trường Liên Khương - Đà Lạt, hai anh em gặp nhau mừng rỡ, nói chuyện thật lâu.

Phi Nhung cho biết đang ăn chay trường, mở nhiều tiệm cơm chay để nuôi nấng 23 người con mà Phi Nhung nhận nuôi. Phi Nhung còn xây nhiều ngôi nhà tình thương và bệnh xá ở Pleiku để chăm sóc miễn phí cho người nghèo. Tôi thật kính phục tấm lòng nhân ái của Phi Nhung.

Về Sài Gòn, tôi đến tiệm cơm chay của Phi Nhung ở khu Tân Định. Tôi hiểu rõ hơn, những em nhỏ làm việc ở đây rất kính mến Phi Nhung. Em nào cũng có hoàn cảnh đáng thương, được Phi Nhung đưa về làm việc - đi học, sống với nhau trong một mái ấm gia đình.

Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku - Ảnh 4.

Phi Nhung và các con nuôi

Mới đây, khi biết Phi Nhung đang có những bóng đen vẩn đục bao quanh, tôi nhắn tin cho Phi Nhung:

"Tâm của em là tâm bồ đề. Hãy bình thản - an nhiên với những diễn biến xung quanh. Mọi việc rồi cũng sẽ lắng đọng. Nhân cách và sự tử tế của em mọi người hiểu/biết để suy ngẫm, phán đoán. Hãy xem đó là hạt bụi vướng đọng trong đôi mắt buồn của em…".

Được tin Phi Nhung nhiễm COVID, tôi gọi thăm hỏi nhiều lần nhưng không được, đành phải nhắn tin: "Cầu xin cho Phi Nhung qua được khổ nạn".

Dẫu biết có sinh/có tử. Đời người như bóng ngựa hồ qua kẽ cửa, nhưng sự ra đi của Phi Nhung làm nhiều người thương tiếc. Trong tôi rất đỗi bàng hoàng, lệ như thấm vào lồng ngực sâu thẳm. Giá như, Phi Nhung về lại Mỹ theo lịch diễn. Nhưng không. Phi Nhung đã ở lại để chia sẻ niềm đau những ngày dịch hoành hành.

Tiễn biệt Phi Nhung

Dạt ngang miền hư ảo, trí nhớ và ký ức bay bổng theo điệu ru hò Phi Nhung. Một lần nào đó, trở lại Pleiku tôi sẽ nghe được những lời nói thân quen: "Tội nghiệp con bé, mới ngày nào quanh quẩn lủi thủi trong khu chợ này, rồi trở thành danh ca, và bây giờ sớm vội lìa trần…".

"… Nằm đây, hơi ẩm quanh mình

Nghe mưa Phố Núi nhòa xanh nẻo mù

Mưa Bản Thổ, mưa Pleiku

Thương em nơi cõi phiêu du mỏi mòn

Anh xa xôi vẫn thật gần

Giốc sương em vẫn bên đường ngủ ngon

Xin bình an giấc nữ thần

Trong mưa có tiếng thạch cầm ru em…"

Pleiku - thành phố nhỏ của chúng tôi đầy mộng mơ, nơi sinh sản ra những tâm hồn nghệ thuật. Nhiều tên tuổi vang lừng đã từng ở, từng sống, từng gắn bó và cho ra đời nhiều tác phẩm về Pleiku như: nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Kim Tuấn, nhà thơ Vũ Hữu Định, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, ca sĩ Ngọc Lan và bây giờ là ca sĩ Phi Nhung đã ra đi, đã yên nghỉ nghìn thu. Pleiku, rừng gió cao nguyên đậm mùi tiễn biệt.

Phi Nhung!

Thắp nén hương lòng gửi đến em, thắp cho nỗi niềm bỏ lại. Lòng anh rưng rưng một nỗi buồn, kỷ niệm về theo những con dốc cao thấp của Phố Núi, nơi mà chúng ta đã sinh ra.

Trở lại với Pleiku, trở lại với ký ức thời tuổi dại. Đến những mái nhà ấp ủ yêu thương mà em đã tạo dựng. Anh sẽ rất nhớ Phi Nhung.

Anh ngậm ngùi tiễn biệt một tình thân, tiễn biệt Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku.

 

Lễ tưởng niệm ca sĩ Phi Nhung diễn ra vào ngày 4-10 tại tu viện Khánh An

Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TP.HCM vừa cho biết lễ tưởng niệm cố nghệ sĩ - Phật tử Phi Nhung, pháp danh Tịnh Bình và nạn nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19 do Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TP.HCM cùng tang quyến và đồng nghiệp sẽ được tổ chức tại tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) vào ngày 4-10.

Lễ viếng diễn ra vào 10h, khung 17h dành cho nghệ sĩ, đồng nghiệp. Khách đến viếng được yêu cầu không chụp ảnh, livestream. Chương trình sẽ được livestream trên fanpage Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TP.HCM.

Theo: Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/phi-nhung-doi-mat-buon-pleiku-a8404.html