Tiêm vắc xin cho trẻ em: Cha mẹ cần lưu ý gì?

Ngoài phản ứng phản vệ trẻ có thể gặp phải sau tiêm giống như người lớn, một trong những biến chứng khác trẻ có thể 'đối mặt' là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, nhưng tỉ lệ này rất thấp.

Tiêm vắc xin cho trẻ em: Cha mẹ cần lưu ý gì? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế cần tư vấn cả phụ huynh và trẻ cùng theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm trước, trong và sau khi trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Bác sĩ Nguyễn Huy Luân - trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho hay ngoài phản ứng phản vệ trẻ có thể gặp phải sau tiêm như người lớn thường diễn ra trong 30 phút hay 24 giờ sau tiêm, một trong những biến chứng khác trẻ có thể "đối mặt" là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Biến chứng này thường xảy ra từ 2 - 4 ngày sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 2, gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái. Cần lưu ý các triệu chứng của viêm cơ tim như: đau ngực, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch...

Tỉ lệ rất thấp, mức độ nhẹ

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết trẻ khỏe mạnh không có bệnh nền, không có tiền căn dị ứng, được tiêm như tiêm vắc xin bình thường khác. Trẻ có bệnh nền được thăm khám sàng lọc kỹ trước tiêm và được tiêm ở nơi có điều kiện chăm sóc tốt như ở các cơ sở y tế.

Với trẻ em bình thường, khỏe mạnh khi tiêm vắc xin thường sẽ an toàn. Nhưng với những trẻ mắc các bệnh nền như ung thư, mắc các bệnh lý về máu, huyết học, tim bẩm sinh, hen suyễn... có thể có tác dụng phụ phức tạp hơn do tình trạng bệnh lý nền của trẻ. Do vậy, những trẻ em có bệnh nền nên được tiêm trong các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời nếu có "tình huống" nào xảy ra.

Về nguyên tắc tiêm vắc xin phòng COVID-19 chỉ chống chỉ định với những trẻ có cơ địa dị ứng như dị ứng với thuốc, dị ứng với các loại vắc xin khác...

Bác sĩ Minh Tiến cũng cho hay tỉ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo các nghiên cứu có khoảng 90-161/1 triệu trẻ bị viêm cơ tim, tuy nhiên tất cả đều ở mức độ nhẹ trung bình, được nhập viện điều trị theo dõi và tự giới hạn, phục hồi sau đó.

Tư vấn cả phụ huynh và trẻ

Bác sĩ Luân cho biết việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cũng gần giống với người lớn, tuy nhiên còn có nhiều lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vắc xin cần đặc biệt quan tâm đến nhóm tuổi này.

Thứ nhất, nhân viên y tế cần khám sàng lọc kỹ nhằm đánh giá nguy cơ trẻ có nhiễm COVID-19 hay không. Phụ huynh phải quan tâm đến trẻ khi có những triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở... vì không phải trẻ nào cũng biết.

Thứ hai, chú ý đến trẻ có bất kỳ dị ứng hoặc tình trạng dị ứng nào hay mắc bệnh ức chế miễn dịch bẩm sinh, rối loạn đông máu... vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ sau khi tiêm. Đồng thời nên khai thác thêm ở bé gái có mang thai hay không.

Thứ ba, phải có người giám hộ (phụ huynh) đồng ý trước tiêm cho trẻ; riêng trẻ từ 16 tuổi trở lên cần sự đồng ý cả người giám hộ và trẻ.

"Người lớn tự khai báo tình hình sức khỏe của mình nhưng với trẻ thì có trẻ biết, trẻ không. Nhân viên y tế cần tư vấn cả phụ huynh lẫn trẻ" - bác sĩ Luân nói.

Bác sĩ Minh Tiến khuyên các bậc cha mẹ nên đăng ký cho trẻ đi chích ngừa vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời phụ huynh cần biết cách chuẩn bị chu đáo cho trẻ trước tiêm, trong tiêm và theo dõi sau tiêm cẩn thận theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Theo: Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/tiem-vac-xin-cho-tre-em-cha-me-can-luu-y-gi-a8598.html