Người truyền tin
Có những câu chuyện mà chị Văng Thị Ngọc Bích (Bệnh viện Chợ Rẫy) sẽ mãi ám ảnh về đại dịch, đỉnh điểm là tháng 7 và 8/2021.
Chị nhận nhiệm vụ báo tin tình trạng bệnh nhân Covid-19 cho người thân qua Zalo của phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm ấy, người bệnh vào đây, đa số đều nguy kịch, tử vong nhiều. Có thời điểm, cứ mỗi tin nhắn hỏi, là mỗi lần trả lời bệnh nhân đã mất.
Chiếc điện thoại của chị Bích đã dùng để báo hơn 100 tin nhắn mỗi ngày về tình trạng bệnh nhân. |
Chị Bích không thể quên, một nữ bệnh nhân Covid-19, sinh năm 1984 qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Số điện thoại đăng ký trong hồ sơ là của bệnh nhân, thay vì của người nhà. Vì vậy, tin nhắn báo tử không có người đọc.
Khi gia đình liên hệ, chị Bích thông báo lại tin buồn. Người chồng không tin đó là sự thật. Anh là người đưa vợ đi cấp cứu mới đây thôi, thế mà giờ nói rằng chị ấy đã mất! Họ nhờ bệnh viện xác minh lại nhiều lần, nhưng sự thật chỉ có một.
“Người chồng đến bệnh viện, ngồi chờ 3 ngày ở cổng cấp cứu, nói sao cũng không chịu về.
Gia đình nhờ tôi phản hồi thêm qua SMS, đúng tên tuổi, số điện thoại người nhà, để anh chồng chấp nhận mà trở về. 2 con nhỏ của họ cũng dương tính và phải đi cách ly rồi…”, chị Bích nghẹn ngào.
Trong giai đoạn đỉnh điểm, các bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đều nguy kịch, hôn mê, không người thân, không điện thoại. Nhiều bệnh nhân tên tuổi không chính xác, không số liên lạc. Bệnh viện muốn báo tin cũng không được. Còn người nhà thì vô vọng.
Một người con gái nhắn tin đến bệnh viện tìm mẹ. Tra cứu danh sách, chị Bích thấy có cái tên gần trùng khớp với bệnh nhân và báo lại, ghi chú rõ cho người nhà nắm thông tin. Lúc đó, người mẹ đang nguy kịch, tiên lượng rất xấu.
Cô con gái không tin và tiếp tục đi tìm khắp các bệnh viện Covid-19 khác, chờ đợi một tia hy vọng. Thế nhưng, người mẹ đã qua đời sau đó.
“Mỗi ngày, mình đều nhận danh sách tình trạng bệnh nhân để trả lời người nhà. Số tử vong khi đó lớn lắm, số nguy kịch cực kỳ nhiều. Mình stress khủng khiếp, nặng nề, toàn tin buồn. Có những lúc chỉ biết khóc.
Đến giờ, cũng không hiểu mình đã vượt qua bằng cách nào. Có lẽ là vì người nhà bệnh nhân, họ chờ tin từ mình, nên mình phải cố gắng…”, chị Bích ngậm ngùi.
Chị Thúy Hằng không biết bao nhiêu lần phải lặng đi khi người nhà bệnh nhân nhận tin báo tử. |
Còn chị Thúy Hằng (Bệnh viện Chợ Rẫy) vẫn nhớ mãi, có một người đàn ông rất bình tĩnh đón nhận tin buồn. Anh lặng đi một chút và bắt đầu tâm sự như một người bạn.
“Anh ấy kể, hàng xóm có người làm công trình, hay phải đi lại. Gia đình anh rất giữ gìn, ít tiếp xúc, nhưng hàng xóm sang nói chuyện thì cũng trả lời một vài câu.
Thế mà lây cho cả nhà. Thời điểm tôi báo tin buồn, đại gia đình anh đã có 5 người qua đời vì Covid-19 là các dì, các bà… Đau lòng hơn, họ hàng anh còn 11 người khác là F0 đang điều trị…”
Khi nỗi đau đến dồn dập, vượt ngưỡng chịu đựng của một con người, có lẽ người ta chỉ còn cách bình tĩnh.
Chị Hằng kể, có người ngất xỉu ngay khi mình báo tin. Mình cứ giữ máy, chờ người thân khác đến cầm, rồi báo tin lại. Có người khóc nhiều lắm, có người sốc, có người lặng đi… mình cũng lặng theo nỗi đau của họ.
Người lưu khoảnh khắc
Mỗi một bệnh nhân tử vong, chị sẽ chụp lại di ảnh. Khi người nhà muốn nhìn lại khoảnh khắc cuối cùng của bệnh nhân, những hình ảnh thiêng liêng ấy sẽ được trao đi (với quy định đảm bảo sự riêng tư). Đó là điều vô giá với những người thân không thể ở bên, chăm sóc.
Mỗi 1-2 tuần, Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại Học Y dược TP.HCM sẽ tưởng niệm những bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời. |
Chị Phụng không thể quên, một cụ ông hơn 90 tuổi tại Trung tâm, tiên lượng tử vong gần. Sau khi bác sĩ gọi điện giải thích tình trạng bệnh, chị tiếp tục liên hệ, động viên người nhà và hỏi thăm tâm nguyện.
“Gia đình xin gửi vào 1 bộ comple mà ông cụ thích nhất. Vì trước đây, cụ luôn dặn phải mặc đúng bộ đồ đó lúc qua đời. Bệnh nhân khi đó nằm hôn mê, các anh chị điều dưỡng cố hết sức mặc cho cụ, dù không dễ xoay trở.
Cụ mặc comple, đeo cà-vạt nữa, đẹp lắm. Rồi chúng tôi chụp lại hình ảnh ý nghĩa đó”, chị Phụng nhớ lại.
3 ngày sau khi cụ mất, gia đình làm cơm cúng cũng là lúc nhận được di ảnh từ bệnh viện. “Họ nghẹn ngào lắm. Vì di nguyện đã hoàn thành, chắc ông rất vui…”
Chị Phụng không nhớ nổi mình đã chụp bao nhiêu khuôn mặt, chứng kiến bao nhiêu bệnh nhân chuyển nặng dần rồi tử vong trong đại dịch. Có lúc chị cảm thấy mình kiệt sức, bất lực dù đã có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân cận tử trước đây.
“Nhóm chúng tôi phải tự động viên nhau, vì thân nhân người bệnh mà cố gắng, phải lắng nghe và chia sẻ cùng vì họ đã mất mát quá rồi”, chị Phụng nhớ lại thời điểm khó khăn.
Các bệnh nhân Covid-19 luôn được nhân viên y tế chăm sóc, cố gắng đáp ứng các nguyện vọng. |
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung cũng ở tâm dịch cùng chị Phụng trong lúc khốc liệt nhất. Bệnh nhân chuyển đến không có thông tin người nhà, các chị tìm mọi cách kết nối với HCDC, với công an địa phương để xác minh.
Mỗi khi tìm được thân nhân, là một niềm an ủi vô cùng. Mỗi lần thực hiện được tâm nguyện cho gia đình, là mỗi lần chị thấy nỗi đau được se dịu lại.
“Đó là một bệnh nhân Công giáo. Khi về với Chúa, gia đình đã mời Cha xứ đến làm lễ, có sự chứng kiến của những người thân. Chúng tôi kết nối video call để người mất được ấm cúng trong những phút cuối cùng…”, chị Dung chia sẻ.
Chị Bích, chị Hằng, chị Dung hay chị Phụng vẫn cần mẫn với việc cập nhật tình trạng bệnh nhân Covid-19. Danh sách ngày càng ngắn lại, nhiều ngày không phải báo tin buồn, các chị hít thở thật sâu, lấy lại sự cân bằng.
Những ngày tháng 10/2021, TP.HCM đã đi qua đỉnh điểm Covid-19. Số ca tử vong giảm ngoạn mục, từ 300 ca mỗi ngày nay chỉ còn 2 chữ số. Bệnh nhân hồi phục và xuất viện liên tục. Mỗi ngày, các gia đình được đoàn tụ lại nhiều thêm.
Theo: Vietnamnet
Link nội dung: https://ceotrangvien.vn/ky-uc-dai-dich-covid-19-qua-loi-ke-cua-nguoi-bao-tin-benh-nhan-tu-vong-a8722.html