Từ khóa "Bảo vệ" :
CHỐNG QUAN ĐIỂM XUYÊN TẠC NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG VỀ KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG VÀ VAI TRÒ CỦA QUÂN ĐỘI ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quyết định của nhân tố kinh tế trong mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với quốc phòng; quốc phòng, có vai trò to lớn đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, bảo vệ, tạo môi trường hoà bình, ổn định và trực tiếp tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi được thành lập đến nay không chỉ thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, mà còn tích cực thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Giai đoạn hiện nay, yêu cầu mới Quân đội càng phải phát huy tốt hơn nữa chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Tuy nhiên hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang chống phá xuyên tạc, phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất”, trong đó tập trung phủ nhận vai trò của các doanh nghiệp quân đội.
Các quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện nhiều trên một số diễn đàn, trang mạng, phương tiện truyền thông như BBC, RFA, VOA, blog Chân Trời Mới Media cho rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ nên thực hiện chức năng “đội quân chiến đấu”, không cần thực hiện và không nên có chức năng “đội quân lao động sản xuất”, không nên “mải kiếm tiền, cạnh tranh với dân trên thương trường”, kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp dân sự, giảm quá trình hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa Quân đội. Mục đích của các quan điểm trên nhằm phủ nhận truyền thống vẻ vang của Quân đội ta trên mặt trận lao động sản xuất, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của Quân đội, qua đó làm suy yếu sức mạnh quân sự của quốc gia. Tác hại của các quan điểm trên là làm cho không ít người kể cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nảy sinh tư tưởng giao động, hoài nghi cho rằng Quốc phòng, Quân đội hiện nay đã có ngân sách nhà nước lo nên không cần thiết phải lao động sản xuất, “làm kinh tế” để phục vụ lợi ích của một số người.
Trước hết, khẳng định các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội nhân dân Việt Nam là không thể chấp nhận và đáng bị vạch trần, lên án. Bởi lẽ, “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội ta được khẳng định.
Thứ nhất, xuất phát từ quan điểm các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với chiến tranh, quốc phòng, quân đội. Trong đó, suy cho cùng kinh tế quyết định chiến tranh, quốc phòng, quân đội và chiến tranh, quốc phòng, quân đội tác động trở lại đối với kinh tế. Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội”[1]. Kinh tế quyết định nguồn gốc, bản chất, mục đích của chiến tranh, quốc phòng, quân đội; quyết định đến số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và vũ khí, trang bị kỹ thuật của chiến tranh, quốc phòng, quân đội qua đó quyết định đến cơ cấu, tổ chức, biên chế, chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật quân sự. Một nền kinh tế phát triển (lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp, có sức cơ động và sức sống cao) là điều kiện vật chất để xây dựng nền quốc phòng mạnh và ngược lại. Vì vậy, Quân đội không thể bị động chờ ngân sách nhà nước (như một số quan điểm) mà cần phải tích cực tham gia phát triển kinh tế của đất nước để tạo thế chủ động xây dựng tiềm lực kinh tế, trực tiếp là xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự - cơ sở vật chất của sức mạnh quân sự quốc gia.“Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”[2].“Cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự … là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động”[3].
Thứ hai, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc ta về quân đội lao động sản xuất. Thể hiện tiêu biểu nhất đó là chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, vừa bảo đảm cho triều đình luôn duy trì một lực lượng cân đối giữa xây dựng kinh tế với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; giữa sản xuất và chiến đấu, hậu phương và tiền tuyến, bảo đảm quân thường trực số lượng đủ mức cần thiết, sẵn sàng chiến đấu cao và quân dự bị đông đảo, dễ dàng huy động khi có chiến tranh (như ở triều Trần khi đánh quân Mông Nguyên đã huy động lên đến 20 vạn quân). Ngày nay, chúng ta thấy việc thực hiện xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng, các tập đoàn, nhà máy, doanh nghiệp quân đội, xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ là sự kế thừa chính sách “ngụ binh ư nông” của dân tộc ta.
Thứ ba, xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nhất quán trong đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội”[4], “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”[5]. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chức năng “đội quân lao động sản xuất” được thể hiện nhất quán, xuyên suốt, thông qua nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tháng 3/1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, xác định: Xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải khéo léo sắp xếp cho ăn khớp với xây dựng kinh tế. Nghị quyết 79/NQ-ĐUQSTW ngày 27/8/1992 đã xác định Quân đội có ba chức năng: Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nghị quyết 06/NQ-ĐUQSTW ngày 10/01/1995 đã cụ thể hoá nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta. Nghị quyết 150/NQ-ĐUQSTW ngày 01/8/1998 đã xác định rõ vai trò nòng cốt tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược của Quân đội. Nghị quyết 71/NQ-ĐUQSTW ngày 25/4/2002 về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội. Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”. Tiếp đến, ngày 18/5/2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 425-NQ/QUTW về: “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, phát huy những kết quả lao động sản xuất thời gian qua và để tiếp tục thực tốt hơn nhiệm vụ quan trọng này trong tình hình mới, ngày 17/12/2021, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 820-NQ/QUTW về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”.
Chức năng “đội quân lao động sản xuất” còn chính là sự cụ thể hóa Điều 68, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013): “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”; về phạm vi quản lý nhà nước, ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng. Bộ Quốc phòng đã có Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 03/4/2017 ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất xây dựng kinh tế của Quân đội. Điều đó cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Quân đội lao động sản xuất là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Tại Hội nghị cán bộ học tập Nghị quyết Bộ Chính trị về những công tác trước mắt ở miền Nam, ngày 28/7/1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Xây dựng kinh tế cũng là một nhiệm vụ cách mạng quan trọng, thể hiện bản chất của quân đội ta, chế độ ta, bởi quân đội ta đánh giặc cứu nước cuối cùng để chăm lo xây dựng đời sống ấm no cho nhân dân mà thôi”[6]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Tôi muốn nói đến vấn đề cơ bản vào bậc nhất, đến cơ sở của một nền quốc phòng vững mạnh. Cơ sở ấy chỉ có thể là nền kinh tế ngày càng giàu mạnh của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với một cơ cấu công-nông nghiệp ngày càng hiện đại, với một thế bố trí chiến lược ngày càng hợp lý về cả kinh tế và quốc phòng. Đó cũng tức là vấn đề thực sự sẵn sàng chiến đấu về lâu dài”[7]. Theo đó, Quân đội lao động sản xuất cũng là sẵn sàng chiến đấu về lâu dài, lao động sản xuất cũng có ý nghĩa như mặt trận chiến đấu, góp phần quan trọng gia tăng sức mạnh của Quân đội, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thứ tư, xuất phát từ bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của Quân đội ta. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, mang bản chất của giai cấp công nhân, là Quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoàn toàn khác với bản chất của quân đội các thể chế chính trị xã hội khác, thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa Quân đội với Nhân dân, quan hệ cán bộ, chiến sĩ và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Quân đội của các nước tư bản chủ nghĩa là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa, là thành trì kiên cố nhất để bảo đảm cho pháp quyền tư sản và sự thống trị của giai cấp tư sản, là nhà trường giáo dục một cách nô lệ và sự phụ thuộc của người lao động, sĩ quan, binh lính đối với tư bản. Đây là điểm khác biệt cốt yếu của quân đội tư sản với Quân đội ta. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8]. Quân đội ta, ngoài mục tiêu đó không có mục tiêu nào khác, tham gia lao động sản xuất cũng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu trên.
Hơn 80 năm qua cho thấy, Quân đội ta vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế bằng những hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều khó khăn, trước hết là ăn, mặc, vũ khí trang bị…, nếu không có các đơn vị quân đội lao động sản xuất, chế tạo vũ khí, khí tài, đạn dược và gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế với những công trình trọng điểm của đất nước như: Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Đại thủy nông Bắc Hưng Hải... liệu Quân đội có thể hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Tổ quốc và Nhân dân giao phó. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu của kháng chiến, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 29 nông trường và gần 4 vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân cho Bộ Nông nghiệp quản lý, đồng thời, chuyển hướng xây dựng căn cứ hậu phương, hậu cần tại chỗ trên chiến trường miền Nam ở Khu 5, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, với 20 trung đoàn sản xuất, cung cấp hậu cần cho các chiến trường. Nếu các đơn vị quân đội không lao động sản xuất, không có các căn cứ hậu cần tại chỗ, không bạt đèo, xẻ núi, xây dựng hệ thống đường bộ, đường sông, đường ống, đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thì liệu rằng có Chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử? Đất nước hoàn toàn thống nhất, Quân đội ta lại tiên phong trên các mặt trận xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, hội nhập và giao lưu quốc tế, với gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và đã hoàn thành nhiều chương trình, dự án trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn cả nước như Đường Hồ Chí Minh, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu...
Thực tiễn lao động sản xuất luôn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, trong đó việc chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị cho Quân đội đặt ra yêu cầu rất cao cần tập trung thống nhất quản lý của nhà nước, thực hiện đúng pháp luật Việt Nam về các cam kết, điều ước quốc tế về mua bán, sản xuất vũ khí. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”[9]. Đó là bước phát triển mới về tư duy trong định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Thực tiễn đã chứng minh công nghiệp quốc phòng là bộ phận cấu thành và là mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát huy vai trò tự chủ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt do Bộ Quốc phòng quản lý và sự tham gia tích cực hiệu quả của các bộ phận, thành phần kinh tế quốc dân. Chất lượng sản phẩm, nhất là vũ khí, khí tài, đạn dược được nâng cao, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin cho bộ đội. Số lượng, chất lượng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, nhất là cho hải quân và phòng không-không quân ngày càng tốt hơn; nhiều ngành hàng kinh tế có vị trí vững chắc trên thị trường, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính, từ đó có điều kiện tích lũy, duy trì hoạt động của các dây chuyền quốc phòng và tái đầu tư mở rộng sản xuất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp quốc phòng có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong các hình thái chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, không thể “tư nhân hóa” công nghiệp quốc phòng như các quan điểm sai trái, thù địch tuyên truyền, kích động, cổ súy mà cần phải thực hiện cơ chế kết hợp các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt của Bộ Quốc phòng quản lý và các cơ sở công nghiệp quốc phòng động viên của nền kinh tế đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Với thế mạnh của mình về nhân lực, vật tư, trang thiết bị, vị trí đóng quân, Quân đội tham gia gánh vác những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó có thể đảm đương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều này được khẳng định rất rõ ràng trong các công trình quốc gia như đường Hồ Chí Minh, đường Tuần tra biên giới; công trình thủy điện Đrây H’linh do Sư đoàn 470, Binh đoàn 12 xây dựng, với những thành tích đặc biệt sư đoàn đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Từ năm 2010 đến nay, các khu kinh tế - quốc phòng xây dựng mới 1.300 điểm dân cư tập trung với hơn 98.000 hộ dân; khắc phục cơ bản tình trạng một số xã “trắng dân”, thưa dân chưa thành lập được đơn vị hành chính. Nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng..., đã đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, là cơ sở để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xây dựng kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Tiêu biểu có Viettel - nhà mạng số 1 Việt Nam, đứng đầu về giá trị thương hiệu, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2024, tổng doanh thu đạt 189,9 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận đạt 51 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 42,6 nghìn tỷ đồng, “tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, làm chủ nhiều công nghệ lõi, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo vũ khí công nghệ cao; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn - nhà khai thác cảng container chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam, với thị phần chiếm trên 90% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, 5 năm gần đây thực hiện được gần 70.000 giờ bay an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao; tổng doanh thu 14.079 tỷ đồng; tổng lợi nhuận 1.932 tỷ đồng; nộp Ngân sách 1.428 tỷ đồng, thực hiện bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đi công tác, bay cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu, vận tải quân sự. Hơn thế nữa, các đơn vị trong toàn quân đã tích cực, chủ động tăng gia sản xuất tự túc được 80% - 90% định lượng rau, củ, quả; 35% - 70% định lượng thịt, cá các loại… góp phần nâng cao đời sống bộ đội, giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ luôn giản dị, gần gũi với cuộc sống lao động vất vả của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường, phát triển kinh tế địa bàn đóng quân. Song song với đó, các đơn vị tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ và triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội.
Thời gian tới, để Quân đội hoàn thành tốt chức năng “đội quân lao động sản xuất”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp:
Một là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế chính sách đối với hoạt động tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân của Quân đội; có các nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện, bổ sung các chế độ, chính sách, cơ chế quản lý các hoạt động lao động sản xuất của Quân đội
Hai là, tiếp tục tăng cường giáo dục, quán triệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”, nói và viết đúng chức năng “đội quân lao động sản xuất” với nghĩa là “Quân đội lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng”; không được hiểu, nói và viết với nghĩa “làm kinh tế đơn thuần”. Nhận thức sai lầm, ngộ nhận dù vô tình hay cố ý đối với thuật ngữ này chính là một sự đánh tráo khái niệm, nhằm hạ thấp vai trò, uy tín của Quân đội, gây sự hiểu nhầm trong xã hội, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Quân đội; giữa Quân đội và Nhân dân.
Ba là, nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, trên các địa bàn đứng chân, tích cực nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội của các đoàn kinh tế - quốc phòng; các doanh nghiệp quân đội. Các đoàn kinh tế - quốc phòng căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, đặc điểm của địa bàn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, phong tục tập quán sản xuất của nhân dân địa phương và yêu cầu của thị trường mà xác định đúng mục tiêu, chiến lược phát triển lâu dài cũng như trong từng giai đoạn cụ thể để giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vượt qua đói, nghèo. Thực hiện tốt các chương trình thể hiện vai trò của Quân đội trong phát triển nền kinh tế quốc dân như Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”, là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích quốc gia, dân tộc, trước hết là tập trung cho hậu cần nghề cá, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân trên huyện đảo, củng cố quốc phòng, an ninh trên biển.
Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp quân đội để phần lớn các doanh nghiệp phải có quy mô lớn và vừa, công nghệ tiên tiến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội công ích; thực hiện cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với các doanh nghiệp kinh doanh, các bộ phận trong doanh nghiệp công ích nhưng không có nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, hoặc nhiệm vụ kết hợp kinh tế quốc phòng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp quân đội được tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng và hợp tác với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trên cơ sở pháp luật. Tập trung đầu tư ngân sách cho phát triển một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao phục vụ quân sự; công nghệ đặc thù sản xuất, sữa chữa vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự.
Rõ ràng, lao động sản xuất không chỉ là mệnh lệnh, mà còn là chức năng, nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Quân đội ta, một giá trị cốt lõi làm nên nhân cách, phẩm giá “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì thế, những luận điệu xuyên tạc của một số tổ chức, cá nhân thời gian là không thể chấp nhận, cần phải bị vạch trần, lên án.
------------------------------------------------------------------
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG ST, H.1996, tr. 235.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG ST, H.1996, tr. 246.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 40, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 122.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG ST, tr. 512.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG ST, tr. 143.
[6] Nguyễn Văn Rinh, (2007), QĐND Việt Nam trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế, Nxb QĐND, tr.50
[7] Nguyễn Văn Rinh, (2007), QĐND Việt Nam trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế, Nxb QĐND, tr.59
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, tập I, tr.156.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, tập I, tr. 158-159.