Ký ức kinh hoàng
Mặc dù đã 7 năm trôi qua kể từ đêm xảy ra trận hỏa hoạn nhưng hàng xóm của gia đình chị Hà Thùy L. (SN 1984, ngụ ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn nhớ như in về vụ việc đau lòng. Nhân chứng sống duy nhất sau vụ việc là em Hà Võ Yến V. (SN 2004). Nhìn những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể V. chúng tôi có thể cảm nhận được những nỗi đau mà em phải gánh chịu lớn đến nhường nào.
Được biết, V. mất cha khi em gái vừa thôi nôi. Trong gia đình, V. rất thương và thần tượng người cha nên khi mẹ có ý định bước thêm bước nữa, em đã rất buồn. Nhiều lần em “nói khéo” với ông nội: “Sao người lớn làm chuyện gì cũng không nghĩ đến tụi con. Con không muốn mẹ lấy chồng nữa đâu. Không ai bằng ba con hết nội ơi”.
Khi nhắc về cô con dâu vắn số, ông Sáu Thanh vẫn dành một tình cảm nhất định: “Con nhỏ còn khờ khạo lắm, mới học xong thì ra đi làm luôn, gặp thằng Thọ (chồng chị L.), yêu nhau rồi cưới thôi. Khi nó sinh 2 đứa con, mọi việc trong nhà vợ chồng tôi đều lo chu toàn hết, sợ nó buồn tủi lại về gây gổ với chồng. Rồi thằng Thọ đột ngột mất vì tai nạn giao thông, cả cái nhà này có ai mà không đau chứ. Tội nhất là hai đứa nhỏ, chúng quấn ba lắm”.
“Thấy con dâu còn trẻ, chúng tôi cũng nói khéo, thấy đám nào hợp thì đem về nhà cho cha mẹ xem mặt, thấy được thì cha mẹ tác hợp cho. Thế mà khi nó yêu thằng Tuấn, tôi nói mãi nó cũng không nghe. Mình dù sao cũng lớn tuổi rồi, nhìn mặt, rồi qua cách ứng xử của Tuấn cũng phần nào đoán được tính cách của anh ta”, ông Sáu Thanh tiếp lời.
Sau khi chồng mất một năm, chị L. chuyển từ nhà chồng cũ ở xã Thiện Chí về nhà cha mẹ ruột ở xã Hòa Khánh, cũng chính là nơi xảy ra sự việc đau lòng trên. Tại đây, do không có nhà ở nên Tuấn đã chuyển về sống trong căn nhà của ba mẹ con chị L. Sau nhiều lần không chịu nổi tính khí cộc cằn, hay ghen tuông của Tuấn, chị L. đã nói chia tay.
Ông Đoàn Văn Thức (người bác học của Yến V. ) chia sẻ về đứa cháu gái của mình.
Trong ký ức của mình, bé Yến V. thỉnh thoảng vẫn kể cho nội nghe về đêm đầy kinh hoàng đó. Ông Sáu Thanh kể: “V. bảo, tối hôm đó, mẹ nó mệt nên giục con ngủ sớm để sáng mai còn đi học, em gái V. cũng ngủ li bì. V. đang ngủ thì mơ màng thấy Tuấn thấp thoáng trong phòng. Nó thấy tay Tuấn cầm một bọc gì đó, rồi bật quẹt, lần thứ nhất không cháy, đến lần thứ hai thì V. không còn biết gì nữa cả. Rồi V. chỉ nhớ là V. và mẹ chạy ra được khỏi buồng thì mẹ hốt hoảng kêu lên: “Còn Quỳnh H. (em ruột Yến V.-PV) nữa”. Nhưng khi quay lại cứu em thì không kịp nữa”.
Chị L. đã mãi ra đi cùng đứa con bé bỏng vì căn nhà bốc cháy dữ dội rồi đổ sụp. Thời điểm ấy, bé V. chỉ còn biết đứng gào thét trong kinh hoàng. Nếu em không được mẹ kêu dậy và kéo chạy ra ngoài thì có lẽ cả gia đình em đã phải chịu chung số phận bị thảm. Có lẽ định mệnh cho em được sống nhưng lại khiến em phải sống trong tự ti mặc cảm trong thời gian dài.
“Kể từ ngày xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 19/6/2013 đến giờ, V. trở nên nhút nhát, ít nói, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, tự cách li mình với tất cả mọi người, nên gia đình chúng tôi cố tiếp xúc để cháu nó dần quen và nói chuyện với mọi người nhiều hơn”, ông Sáu Thanh – ông nội của bé Yến V. chia sẻ.
Siêng năng, chăm học vượt lên mọi khó khăn
Sau khi trở về từ bệnh viện, trải qua nỗi đau mất mẹ và em gái, V. luôn thường trực nỗi sợ hãi. Những ngày đầu trở lại trường là quãng thời gian vô cùng khó khăn của V.. “Hai tháng đầu tiên tôi và bà nội V. phải thay phiên đưa cháu đến trường rồi ở lại chơi luôn. Nhìn thân thể lở loét của V., các bạn học hiếu kỳ lúc nào cũng kéo lại xem. Mỗi khi tới giờ ra chơi, V. chỉ dám ngồi co ro trong góc lớp không trò chuyện với ai cả. Phải mấy tháng sau tâm lý của nó mới trở lại bình thường được”, ông Sáu Thanh – ông nội bé Yến V. cho biết.
Mặc dù phải trải qua nhiều biến cố và ký ức kinh hoàng song Yến V. luôn thể hiện ý chí mạnh mẽ khi đạt thành tích cao trong học tập.
“Sau khi dần quen với ngoại hình của mình, V. bắt đầu tập trung vào học tập. Ngoài thời học trên lớp, V. còn đăng ký học thêm tại nhà thầy cô vào những buổi chiều. Về đến nhà nó còn lên mạng tìm thêm các lớp tiếng Anh để học thêm nữa. Môn học yêu thích của V. là môn Anh Văn. Nên ngoài những cuốn sách, những tài liệu, V. còn nghe những bài hát bằng tiếng Anh để trau dồi thêm kiến thức của mình”, ông Sáu Thanh chia sẻ thêm.
“Mỗi khi đến kỳ thi là V. thức đến 1-2h sáng để học bài. Vì sức khỏe của cháu yếu nên tôi sợ cháu nó chịu không nổi. Vì vậy, tôi và bà nội của nó cố gắng bồi bổ để cháu có thể đảm bảo sức khỏe để tiếp tục học. Thành quả mà V. đạt được là những điểm số 9 – 10 trong những bài kiểm tra ”, ông Sáu Thanh tự hào.
Hiện tại Yến V. đang học lớp 7. Do bị bỏng nên em phải nghỉ học một năm để điều trị. Được biết, V. rất chăm học và là học sinh khá giỏi nhiều năm liền. V. luôn ấp ủ ước mơ trở thành một chiến sĩ công an. Chỉ khi được làm công an thì mới có thể trừng trị được những tội phạm như Tuấn, người đã gây nên hậu quả cho gia đình em và đem lại sự bình yên cho Tổ quốc.
Ông Đoàn Văn Thức (người bác họ của cháu V.) chia sẻ: “Mặc dù V. bị nhiều vết sẹo trên cơ thể nhưng không vì thế mà cháu bỏ cuộc. V. luôn cố gắng trong học tập nhưng vì hoàn cảnh giờ nó phải sống với ông bà nội nên điều kiện học tập cũng khó khăn. Tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ được cháu trong học tập để có thể theo đuổi được ước mơ của mình”. Chúng tôi tin, bằng sự lạc quan của một đứa trẻ Yến V. có thể thắp sáng được tương lai bằng chính khả năng của mình. Bằng sự cố gắng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Yến V. có thể nuôi dưỡng và theo đuổi được ước mơ.
Cần chi phí hỗ trợ điều trị vết thương
Trao đổi với PV, ông Hà Tấn Thanh, Bí thư chi bộ ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Cháu Yến V. bị như vậy mà gia đình lại khó khăn nên rất mong được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân để cháu có thể tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Chi phí phẫu thuật những vết sẹo trên người Yến V. quá lớn. Hy vọng gia đình sẽ gặp được các đoàn từ thiện để hỗ trợ chi phí giúp Yến V. có thể chữa lành được những vết sẹo”.