Chỉ cần 1 F0 lẫn trong đám đông thì mọi nỗ lực “đổ sông, đổ biển”

22/09/2021 21:30

Nhiều người đã phải thốt lên “sao đông quá vậy?" khi xem những hình ảnh người dân Hà Nội đổ xô đi chơi Trung thu đêm qua 21/9.

Đêm rằm tháng Tám năm 2021 được nhiều người ví trở thành “ngày hội” ra đường của người dân Thủ đô. Nhìn hình ảnh báo chí phản ánh "biển người" đổ ra đường chơi Trung thu khiến không ít người phải thốt lên rằng “chẳng nhẽ Covid trừ mình ra” hay “nếu có một hoặc một số ca F0 trong dòng người kia thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?”.

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cũng đã phải thốt lên: “Chỉ cần 1 F0 lẫn trong đám đông này thôi thì mọi nỗ lực của người dân và chính quyền Tp.Hà Nội “đổ sông, đổ biển” hết”.

Sáng 22/9, trao đổi với PV bác sĩ Tuấn bày tỏ: “Thực sự, nhìn thấy cảnh đám đông chen chúc chở con đi chơi Trung thu mà tôi thấy lo. Bây giờ, tôi và nhiều người cũng chỉ biết cầu mong không có ca F0 nào trong đám đông đó”.

Theo bác sĩ Tuấn, thành phố mở cửa trở lại đúng vào ngày Trung thu mà không lường trước được những nguy cơ dịch bệnh có nguy cơ tiềm ẩn.

Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh: “Ngoài việc kiểm soát của lực lượng chức năng thì ý thức giãn cách, ý thức 5K trong mỗi người là điều hết sức quan trọng”.

Vị bác sĩ này cũng hy vọng rằng vài ngày tới không phải xử lý hậu quả từ đêm Trung thu đông nghịt người mà báo chí phản ánh.

Sự kiện - Chỉ cần 1 F0 lẫn trong đám đông thì mọi nỗ lực “đổ sông, đổ biển”

Nhiều người đổ xô ra đường đi chơi Trung thu đêm qua, chuyên gia khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức.

Từ hình ảnh người dân đi chơi Trung thu đông đúc vào tối qua, trao đổi với PV sáng 22/9 PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, người dân đã quá chủ quan trong phòng chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi Trung thu rất đông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Phu cho biết, hiện nay Hà Nội vẫn còn nguy cơ dịch Covid-19, sau thời gian giãn cách người dân có tâm lý “muốn ra đường”, tuy nhiên người dân cần phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh ở một số tỉnh vẫn phức tạp.

“Người dân không nên chủ quan mà càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Nếu chủ quan, lơ là thì dịch bệnh sẽ lại bùng lên. Như đêm qua trong số những người đi chơi Trung thu nếu có những ca F0 trong cộng đồng thì rất nguy cơ rất cao. Nếu bạn bị nhiễm Covid-19 trước tiên ảnh hưởng tới sức khỏe chính bản thân bạn rồi sau đó cho cộng đồng, xã hội, gây áp lực cho ngành cơ quan chức năng, nhân viên y tế”, ông Phu cho biết thêm.

Người dân không thực hiện theo khuyến cáo

Sáng 22/9, trao đổi với báo chí, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, việc người dân Hà Nội đổ ra đường để đi chơi đêm Trung thu tối 21/9 là không thực hiện theo khuyến cáo của UBND TP.Hà Nội. "Rõ ràng Chỉ thị 22 của Tp. Hà Nội đã nêu rõ toàn thành phố thực hiện theo Chỉ thị 15 và cao hơn Chỉ thị 15, khuyến cáo ai không có việc gì thì nên ở nhà, không nên ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết. Thế nhưng, người dân đã không thực hiện theo khuyến cáo, điều này rất nguy hiểm vì mầm bệnh thâm nhập vẫn còn, vẫn trong cộng đồng, tiếp xúc nhiều sẽ tăng nguy cơ lên. Sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách, làm việc online, người dân có tâm lý bí bách, nên ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách là ra khỏi nhà ngay lập tức không cần suy xét. Chế tài xử lý đối với việc này có đầy đủ nhưng số lượng người đi chơi đông như đêm qua rất khó cho lực lượng chức năng”, ông Việt phân tích.

Theo: Người Đưa Tin

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ