Lão nông 40 năm chăn trâu quanh những tòa cao ốc chọc trời ở Sài Gòn

02/11/2021 15:25

Gần 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Kim len lỏi đi tìm các bãi đất trống, khu giải tỏa chưa xây dựng ở Sài Gòn để chăn đàn trâu hơn 20 con.

1-1635825509.jpeg

Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Kim ( ngụ TP Thủ Đức) gắn bó với công việc nuôi trâu vỗ béo kiếm lời. Trước đây chưa có điều kiện, ông Kim thường đi chăn trâu thuê. Hơn chục năm nay, lão nông 63 tuổi này tự mua hơn 20 con trâu để nuôi bán.

2-1635825509.jpeg

Khu vực dân cư phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức vẫn còn nhiều bãi đất trống chưa xây dựng là nơi ông Kim chăn trâu suốt những năm qua.

3-1635825509.jpg

Sau khi đã thả trâu đi tìm cỏ ở  bãi đất trống, ông Kim ngồi dưới chiếc lều dựng tạm ngoài đồng để nghỉ ngơi và trông coi đàn trâu.

"Tôi sinh ra ở Sài Gòn, cả cuộc đời gắn liền với ruộng đồng. Trước đây chỉ nuôi vài con trâu để phục vụ cho việc cày ruộng. Người trong xóm thấy tôi nuôi trâu nên họ thuê chăm dùm, mỗi con trả công 150 nghìn đồng/tháng. Sau nhiều năm chăn thuê, làm thêm ruộng tôi tích cóp được vốn để gầy dựng đàn trâu cho gia đình", lão nông tâm sự.

4-1635825509.jpg

Ông Kim thường thả trâu ăn cỏ cả ngày, vì thế ông thường mang theo cơm, bánh bao để dành ăn trưa tại lán. 

5-1635825509.jpeg

"Nếu giờ tôi đi làm bảo vệ mỗi tháng thu nhập cũng chỉ 5 đến 6 triệu đồng mà không được tự do, đi chăn trâu thu nhập cũng chừng đó nhưng có thể làm theo ý mình, thế nên cuộc đời tôi dù không giàu sang bằng người ta nhưng rất thoải mái", ông Kim chia sẻ.

6-1635825567.jpeg

Sau một ngày, khi đàn trâu đã ăn no cỏ, ông Kim dùng xuồng lùa trâu dọc theo kênh để về nhà cách đó khoảng 2 km. Mỗi lứa trâu ông Kim nuôi khoảng 3 năm, tùy theo cân nặng, kích thước có thể bán từ 20 đến 30 triệu đồng/con.

7-1635825509.jpeg
8-1635825509.jpeg

"Cứ đến 15 giờ chiều là trâu tự động tụ lại thành đàn sau đó đi ra sông để về chuồng theo thói quen. Trâu lội kênh mất khoảng 45 phút, nhanh hơn đường bộ,  lại không ảnh hưởng tới người đi đường", ông Kim nói.

9-1635825766.jpeg

Căn chòi của vợ chồng ông Kim nằm trên bãi đất trống rộng 5.000 m2 ở gần chân cầu Phú Mỹ (phía TP Thủ Đức). Khu vực này đã được quy hoạch, nhưng được chủ đất cho phép sử dụng nên ông Kim cải tạo lại thành các ruộng lúa, đầm sen và ao cá...

10-1635825510.jpeg

Đầm sen rộng gần 2.000 m2, vừa phục vụ thức ăn cho gia đình và bán cho khách kiếm được hơn 300.000 đồng/ngày. Mỗi ngày, sau khi lùa trâu về chuồng xong, ông Kim lội xuống đầm hái ngó và búp sen để vợ mang ra chợ bán.

11-1635825509.jpeg

Ngoài việc, nuôi trâu, trồng sen, tận dụng các khu đất trống ông Kim còn nuôi hơn 200 con vịt.

12-1635825509.jpeg

Vợ chồng ông Kim có 5 người con nhưng đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Nhiều lần con cái muốn cha mẹ về ở cùng để tiện chăm sóc, nhưng vợ chồng lão nông không thích ở nhà phố và sợ phiền các con nên vẫn gắn bó với căn chòi hàng chục năm qua. Hàng ngày, bà Phạm Thị Vân (62 tuổi, vợ ông Kim) ở nhà dọn dẹp, nấu ăn cho chồng.

13-1635825510.jpeg

Vào mỗi dịp cuối tuần, ông Kim thường đón các cháu sang ở cùng để chúng có không gian vui chơi.

14-1635825510.jpeg

Các con cháu thường tập trung về nhà vợ chồng ông Kim mỗi dịp cuối tuần để phụ giúp việc đồng áng cùng cha mẹ, sau đó cùng ngồi ăn bữa cơm gia đình.

15-1635825510.jpeg

Buổi tối, vợ chồng ông Kim thường ngồi uống trà, nói chuyện trước hiên nhà. Căn chòi được lắp pin năng lượng mặt trời nên họ lắp thêm tivi để theo dõi thời sự và xem phim truyền hình.

"Nhờ ruộng đồng, đàn trâu mà vợ chồng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, công việc ổn định như thế là mãn nguyện rồi, tôi và vợ vẫn cứ tiếp tục cuộc sống như thế này đến khi nào chủ đất đòi lại thì mới tính tiếp", ông Kim chia sẻ.

Theo: Dân Trí

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ