Ngỡ ngàng với những thói quen "độc, dị" của các thiên tài thế giới

29/06/2021 14:15

Sơn móng tay màu hồng, khỏa thân đi lại trong nhà, ghét đi tất, … là những thói quen kỳ lạ của các thiên tài nổi tiếng thế giới.

Albert Einstein

Albert Einstein (1879 - 1955) là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại với thành tựu nổi tiếng là thuyết tương đối. Tuy nhiên, ông có nhiều sở thích vô cùng khác người ví dụ như không bao giờ đi tất.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới

Sở dĩ có điều này là bởi từ khi còn nhỏ Einstein đã chú ý đến việc ngón chân cái luôn khiến những đôi tất bị rách. "Khi còn nhỏ, tôi phát hiện rằng ngón chân cái thường tạo ra một lỗ to trong chiếc tất. Kể từ đó tôi không bao giờ mang tất nữa", Einstein viết trong một bức thư gửi người em họ.

Tài xế của nhà vật lý thiên tài còn kể từng tận mắt chứng kiến Albert Einstein nhặt một con châu chấu trên đất và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Hay Einstein không muốn mất tiền cho việc cắt tóc nên thường nhờ vợ cắt hộ.

Người giúp việc của nhà bác học thì tiết lộ ông rất nghiện ăn nấm và ăn tới 3 lần mỗi ngày. Không những thế, ông có sở thích quái gở là thường khỏa thân và đi dạo quanh khuôn viên nhà. Người giúp việc nói, "có lẽ ông ấy không quan tâm chuyện mặc quần áo hoặc có thể ông ấy không nhớ là mình chưa mặc gì".

Richard Feynman

Richard Feynman (1918 - 1988) là một trong những nhà vật lý lỗi lạc và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông từng giành giải thưởng Nobel vật lý năm 1965 và được đánh giá là 1 trong 10 nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 2).

Bên cạnh các thành tựu khoa học, Feynman còn nổi tiếng là người khá nghịch ngợm và có sở thích khác lạ. Những lúc buồn chán, ông thường dành thời gian rảnh rỗi chơi với các ổ khóa và chìa khóa để xem các hệ thống này có thể bị vô hiệu hóa dễ như thế nào. Kết quả là ông mở được hầu hết các tủ chứa tài liệu mật tại phòng nghiên cứu.

Nikola Tesla

Nikola Tesla (1856 - 1943) là nhà phát minh, nhà vật lý, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện người Mỹ gốc Serbia. Ông là nhà khoa học có tầm nhìn, phát triển nền tảng cho điện xoay chiều được sử dụng rộng rãi ngày nay đồng thời tiên phong trong nhiều công nghệ cải thiện cuộc sống.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 3).

Ông có thói quen massage các ngón chân, nhất là ngón chân cái vào mỗi tối vì tin rằng nó có tác dụng kích thích tế bào não, tăng cường sự tập trung.

Đặc biệt, Tesla luôn coi số 3 là con số linh thiêng, ông đi bộ xung quanh một tòa nhà 3 lần trước khi bước vào, rửa tay 3 lần liên tiếp vì sợ vi khuẩn. Trước khi ăn, ông dùng tới 18 khăn sạch để lau bóng dụng cụ ăn, không bao giờ sử dụng một chiếc khăn 2 lần và luôn đeo găng tay khi dùng bữa. Ngoài ra, Tesla còn bị mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ông không chạm vào bất cứ thứ gì hơi bẩn, tóc, bông tai, thậm chí là các loại quả tròn.

Thomas Edison

Nhà bác học Thomas Edison (1847 - 1932) từng phỏng vấn cộng sự nghiên cứu bằng cách quan sát xem họ có cho thêm muối vào súp trước khi ăn hay không. Ông sẽ loại ngay những người cho muối dù chưa nếm thử tí nào.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 4).

Edison có thói quen cố gắng giảm thiểu những nhu cầu thiết yếu hết sức có thể, ví dụ như việc ngủ. Để có thêm thời gian làm việc, ông chia giấc ngủ của mình ra thành nhiều lần ngủ ngắn.

Ông cho rằng những người ngủ quá nhiều thường rất chây ì và lười sáng tạo, đồng thời rất thích được mọi người khen ngợi như là người làm việc mẫn cán. Edison cũng không quan trọng việc ăn uống, hầu như ông ăn rất ít, lười tập thể dục, thậm chí không thích nói chuyện nhiều với gia đình… vì cho rằng những điều này vô cùng uổng phí thời gian.

Charles Dickens

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 5).

Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh Charles Dickens (1812 - 1870) thì không thể chịu được việc tóc tai rối bù. Chính vì vậy ông luôn để một chiếc lược ngay gần và chải đầu hàng trăm lần mỗi ngày.

Buckminster Fuller

Kiến trúc sư, nhà khoa học Buckminster Fuller (1895- 1983) là người đã sáng tạo ra các kiến trúc mái vòm. Tuy vậy Fuller cũng nổi tiếng với những thói quen lập dị.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 6).

Ông thường đeo 3 chiếc đồng hồ cùng lúc để xem giờ ở 3 khu vực khác nhau khi bay khắp thế giới. Ông chỉ ngủ khoảng 2 tiếng mỗi đêm và tất cả những gì diễn ra xung quanh đều được ông ghi lại. Từ năm 1915 tới khi qua đời, Fuller luôn giữ bên mình quyển nhật kí chi tiết mô tả cuộc sống của ông được cập nhật đều đặn 15 phút một lần. Kết quả là số sổ nhật k‎ý của ông chất đống cao 82m được lưu trữ tại trường đại học Stanford.

Oliver Heaviside

Oliver Heaviside (1850 - 1925), là nhà khoa học, nhà vật lý, nhà toán học và kỹ sư điện người Anh. Ông là người đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân. Tuy nhiên thiên tài này lại được bạn bè đặt cho biệt danh “người kỳ cục nhất”.

Đời sống - Ngỡ ngàng với những thói quen 'độc, dị' của các thiên tài thế giới (Hình 7).

Kỹ sư người Anh thiết kế nhà ở bằng các khối đá granite khổng lồ, sơn móng tay màu hồng chói, thậm chí từng chỉ uống sữa để tồn tại trong vài ngày. Giống như Isaac Newton, Heaviside làm việc một mình và không phải lúc nào cũng công bố những thí nghiệm của mình. Ông ghi chép rất nhiều ý tưởng trong những cuốn sổ và nghĩ rằng những ý tưởng này không thể đưa ra công chúng, nhưng thực chất tất cả đều là những nghiên cứu vô cùng quan trọng. Nhà khoa học này còn được biết là bị mắc chứng bệnh hypergraphia, một bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ