Người dân đi chợ, đi siêu thị cần lưu ý gì để tránh lây nhiễm Covid-19

08/09/2021 12:48

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều nhiều người quan tâm là làm sao để đi chợ, đi siêu thị một cách an toàn, tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Theo cục Quản lý Môi trường y tế, bộ Y tế, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền rất cao tại các không gian kín, tập trung đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khả năng nhiễm nCoV từ thực phẩm, bao bì thực phẩm chứa virus là rất thấp nhưng vẫn có thể nhiễm nCoV do cầm nắm thực phẩm (kể cả sản phẩm tươi sống và thực phẩm đông lạnh) và các bao bì chứa, đựng thực phẩm. Ngoài ra, virus liên tục biến đổi, tạo ra những biến thể khác nhau làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

Do đó bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân cần hạn chế đến chỗ đông người để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người như chợ, siêu thị,… mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân. Cụ thể, trên VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Văn Chánh (Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành) đã đưa ra một số lưu ý: 

- Khi đi chợ, người dân phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K. Theo đó, bạn phải mang khẩu trang, nếu có thêm kính chống giọt bắn càng tốt, chuẩn bị nước rửa tay nhanh. Khi mua hàng, người đi chợ nên hạn chế chạm vào các bề mặt của hàng quán, nếu có phải rửa tay khử khuẩn sau khi chạm vào. Đồng thời hạn chế tụ tập đông người ở các hàng quán, khi thấy quán đông chúng ta có thể quay lại sau hoặc đến quán khác. Trong khi đi chợ, người dân không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Như bộ Y tế đã khuyến cáo, người dân cần thực hiện khai báo y tế khi đến chợ mua hàng. Khách hàng không đến chợ nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà.

Người đi chợ cũng phải thông báo ngay cho cán bộ quản lý chợ, cán bộ đầu mối phụ trách phòng, chống dịch tại chợ nếu phát hiện bản thân hoặc khách hàng, người bán hàng có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở. Bên cạnh đó người đi chợ nên hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của người có thẩm quyền của chợ.

- Với trường hợp đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người dân không tụ tập đông tại quầy thanh toán, nên lựa chọn vị trí đứng phù hợp để đảm bảo khoảng cách với những người xung quanh cũng như nhân viên thanh toán.

- Cẩn thận hơn, chúng ta nên khử khuẩn tiền thừa được trả lại. Nếu có thể, nên thanh toán online để hạn chế tiếp xúc với tiền mặt tại các cửa hàng, siêu thị.

- Khi đến siêu thị phải sử dụng thang máy, người dân cũng nên lưu ý bởi thang máy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mắc Covid-19 do không gian chật hẹp, khép kín. Hơn nữa, bề mặt bên trong của thang máy là nơi virus dễ bám vào. Tốt nhất, chúng ta nên ưu tiên dùng cầu thang bộ. Trường hợp bắt buộc di chuyển bằng thang máy, người dân nên chú ý: Hạn chế đi thang máy nhiều người cùng lúc vì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao nếu trong thang máy có một F0.

Thang máy nên có 3-4 người đi và khi vào thang máy không được nói chuyện, ấn tầng của mình sau đó sát khuẩn tay, mỗi người quay về một hướng trong thang máy, không được quay mặt vào nhau và nói chuyện để hạn chế giọt bắn. Đặc biệt, người dân phải luôn đeo khẩu trang và khử khuẩn tay. Nếu có, nên đeo thêm kính chống giọt bắn.

- Sau khi đi mua sắm về, người dân nên khử khuẩn mặt ngoài của các túi xách, túi nilon đựng đồ ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng lưu ý vệ sinh khử khuẩn xe vì bề mặt xe cũng là nơi virus bám vào, vô tình chúng ta dắt xe, quên khử khuẩn tay cũng có nguy cơ lây nhiễm.

- Khi về nhà nên tháo khẩu trang đúng cách, để khẩu trang bẩn đúng chỗ không được để bừa bãi cũng không được sử dụng lại khẩu trang, khử khuẩn tay sau đó tắm rửa thay quần áo trước khi tiếp xúc với người trong gia đình.

Ngoài ra chúng ta nên xây dựng kế hoạch mua sắm cụ thể như lên sẵn danh sách hàng hóa cần mua để đảm bảo không ở trong siêu thị quá lâu và chỉ đi mua sắm khi thực sự cần. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, thực hiện theo các khuyến cáo của bộ Y tế để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo: Người Đưa Tin

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ