Tình nguyện viên vào tâm dịch Bình Dương: “Có lần gần như nghẹt thở"

06/09/2021 00:21

Hàng ngày, đọc tin tức thấy số ca nhiễm tại Bình Dương mỗi ngày một tăng, Trần Thị Thu Hạnh lòng không yên, cô quyết định xung phong vào tâm dịch.

May mắn khi được là tình nguyện viên

Xung phong vào TP.Thuận An (Bình Dương) – khu vực có nhiều người nhiễm Covid-19 đến nay đã được hơn một tuần, dù biết trước những vất vả sẽ phải trải qua nhưng chị Trần Thị Thu Hạnh (thuộc đơn vị sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương) không do dự mà cùng với các thành viên khác trong đoàn mong muốn hỗ trợ phần nào đó trong công tác chống dịch.

Mới đây, chị Thu Hạnh vừa có chia sẻ với Người Đưa Tin về quyết định của mình cũng như những cảm xúc tại tâm dịch.

Bĩnh tĩnh sống - Tình nguyện viên vào tâm dịch Bình Dương: “Có lần gần như nghẹt thở'

Thu Hạnh chia sẻ, công việc của cô là ca sĩ, đứng biểu diễn trên sân khấu cho mọi người nghe. Thế nhưng, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của nữ ca sĩ này. Đã 3 tháng qua khi công việc bị ngưng hẳn, Thu Hạnh đã về nhà với ba mẹ và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của bộ Y tế.

“Mặc dù nhớ nghề lắm, muốn được hát cho bà con, cho khán giả thân yêu nhưng vì dịch bệnh nên chẳng thể khác được. Chỉ mong dịch bệnh qua mau để tất cả chúng ta tiếp tục công việc của mình”, Thu Hạnh chia sẻ.

Khoảng thời gian ở nhà với ba mẹ, cũng là khoảng thời gian Thu Hạnh thường xuyên theo dõi tin tức về dịch bệnh. Hàng ngày, thấy số ca nhiễm tại Việt Nam và tại tỉnh Bình Dương mỗi ngày một tăng, lòng của nữ ca sĩ 9X không thể nào yên.

“Nghĩ đến người dân không được đi làm, không được ra ngoài. Đặc biệt, những trường hợp ở miền xa vào Bình Dương lập nghiệp không được về quê lại phải ở suốt trong nhà không kiếm ra tiền để xoay sở Hạnh thấy thương lắm.

Có câu nói “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh". Dù không phải cầm súng hay gươm, giáo mác nhưng đây cũng là một cuộc chiến. Nghĩ là làm, tôi quyết định đăng ký đi tình nguyện chỉ mong góp được một chút công sức nhỏ bé để cùng phòng chống dịch bệnh”, nữ ca sĩ 9X trải lòng.

Thu Hạnh chia sẻ, đoàn của cô có 40 người, được phân chia công việc ra nhiều nhóm nhỏ để hỗ trợ các phường trong TP. Thuận An.

Bắt đầu làm công việc tình nguyện viên được hơn một tuần nay, Thu Hạnh cho biết cô luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được là một tình nguyện viên.

Mặc bộ đồ bảo hộ rất nóng

Bĩnh tĩnh sống - Tình nguyện viên vào tâm dịch Bình Dương: “Có lần gần như nghẹt thở' (Hình 2).

Bữa ăn vội của các tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ.

Mỗi ngày trong tâm dịch với Thu Hạnh đều là một ngày đáng nhớ, công việc của cô là địa phương cần gì thì sẽ hỗ trợ công việc đó.

Có hôm thì phân chia rau củ quả, hôm thì phân chia gạo, hôm thì đi phát thực phẩm thiết yếu cho bà con, hay có hôm thì hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người dân....

“Tôi không nề hà mà bất cứ việc gì cần, hỗ trợ phục vụ cho cống tác phòng, chống dịch là tôi làm hết, luôn tay luôn chân”, Thu Hạnh chia sẻ.

Là tình nguyện viên, hàng ngày khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, Thu Hạnh càng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nỗi vất vả của lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Chia sẻ đến đây, Thu Hạnh bày tỏ sự xúc động: “Thật sự, mặc bồ đồ bảo hộ rất nóng và mệt. Có lần Hạnh gần như nghẹt thở khi hỗ trợ người dân tiêm vắc-xin giữa nắng vì phải mặc đồ bảo hộ cả ngày. Biết là nóng đấy, ngột ngạt đấy nhưng Hạnh cũng như tất cả các thành viên trong đoàn động viên nhau cố gắng, đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như mọi người. Hạnh càng cảm nhận rõ hơn sự vất vả của các y bác sĩ khi lúc nào cũng phải đóng đồ bảo hộ kín mít”.

Bĩnh tĩnh sống - Tình nguyện viên vào tâm dịch Bình Dương: “Có lần gần như nghẹt thở' (Hình 3).

Trong quá trình lao vào tâm dịch, Thu Hạnh cho biết cô may mắn khi được ông xã cùng ba mẹ ủng hộ hết mình. Bởi lẽ, gia đình Thu Hạnh hiện có chị gái là y sĩ và em trai cũng là tình nguyện viên tham gia chống dịch. Trước khi tham gia tình nguỵện, Thu Hạnh cũng đã được trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh.

“Hạnh nghĩ không chỉ riêng gia đình mình, mà ba mẹ và gia đình của các bạn tình nguyện viên khác ai cũng lo lắng cho con cái của mình. Bởi, giữa tâm dịch đang căng thẳng, đi tiếp xúc nhiều như vậy thì khả năng cao mình sẽ bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Hạnh cảm thấy may mắn là ba mẹ 2 bên và ông xã luôn động viên và ủng hộ.Ngày nào ba mẹ cũng điện thoại hỏi thăm và động viên con gái cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.Thật sự mình làm việc gì thì làm nhưng riêng với việc thiện nguyện là ba mẹ và ông xã ủng hộ tuyệt đối luôn (cười)”, nữ tình nguyện viên chia sẻ.

Hỏi Hạnh sẽ còn làm công việc này đến khi nào? Nữ tình nguyện viên không chút đắn đo nói rằng “khi nào hết dịch chúng tôi sẽ trở về”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt của Thu Hạnh luôn ánh lên niềm lạc quan về một ngày không xa dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và cuộc sống của người dân trên mọi nẻo đường sẽ được trở về trạng thái bình thường.

Mong vợ giữ sức khoẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Bùi Chính Hưng – ông xã Thu Hạnh cho biết: “Khi vợ quyết định lao vào điểm nóng của dịch ở Bình Dương tôi cũng lo lắng lắm, lo cho sức khoẻ của vợ. Thế nhưng, nếu cứ lo sợ và không làm gì thì lại càng cảm thấy khó chịu, day dứt hơn. Vì thế, tôi luôn động viên vợ cố gắng giữ sức khoẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm được trở về bên gia đình thân yêu”.

 

Theo: Người Đưa Tin

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ