Viết tiếp bài khai thác cát sai phép ở Bình Thuận: Khoáng sản chảy máu, biết kêu ai?

08/09/2020 12:10

Tình trạng khai thác cát sai phép vẫn diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã La Ngâu, huyện Tánh Linh. Vậy nhưng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang “đá bóng” trách nhiệm cho nhau.

Lập tổ kiểm tra không có biên bản?

Như bài trước nhóm PV đã phản ánh về tình trạng khai thác cát các sai phép trên sông La Ngà (thuộc địa phận xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) diễn ra nhức nhối trong thời gian dài.

Cát đang được khai thác và đưa đến các điểm tiêu thụ hàng giờ, hàng ngày… Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn cho rằng, dự án là nạo vét sông Là Ngà (thuộc dự án nạo vét đập dâng Tà Pao, xã La Ngâu).

Hiện trên địa bàn xã La Ngâu, chỉ có công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong, do ông T.V.B làm đại diện pháp luật được thực hiện dự án nạo vét lòng hồ đập dâng Tà Pao.

Cát đang được khai thác quá mức ở La Ngâu.

Bà Lương Thị Đoàn Trang, Chủ tịch xã La Ngâu cho biết: “Trong quá trình công ty Thuận Phong hoạt động tại địa phương, UBND xã có lập đoàn kiểm tra với nhiều thành viên, nhưng lại không lập biên bản”.

Khi PV hỏi về việc có kiểm tra hay không?, bà Trang nói: “Có”. Nhóm PV đề nghị UBND xã cung cấp biên bản làm việc của Đoàn đối với việc kiểm tra khai thác cát, thì bà Trang cho biết: “Đoàn đi nhưng không phát hiện lỗi gì nên không lập biên bản?”.

Trong khi đó, nhóm PV làm việc với phòng Tài nguyên - Môi trường, ông Nguyễn Hữu Phước - Trưởng Phòng (mới được bầu giữ giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh) cho biết: “Vụ việc mà anh trình bày (khai thác cát) thuộc dự án nạo vét lòng hồ dập dâng Tà Pao. Tuy nhiên, đây là dự án của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn quản lý, vì đây là công trình thủy lợi”.

Máy hút cát dưới lòng sông, còn bên kia bờ cát đổ thành núi.

PV đặt vấn đề dự án đang khai thác khoáng sản, cụ thể là cát, ông Phước khẳng định: “Khoáng sản là lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên môi trường quản lý. Tuy nhiên, tại dự án nạo vét lòng hồ đập dâng Ta Pao không thể gọi nó là khoáng sản hay cát được?”.

PV chất vấn tiếp, người dân – doanh nghiệp vẫn mua bán cát, xe chở cát về bãi, chất đầy thành đống, đưa đến các điểm tiêu thụ ở khu vực Căn cứ 4 (giáp ranh Đồng Nai, Bình Thuận), TP.Biên Hòa (Đồng Nai)?.

Ông Phước cho rằng: “Cái đó là thuộc thẩm quyền của ngành nông nghiệp, còn chúng tôi sẽ kiểm tra và tham mưu cho UBND huyện để xem xét”.

Giới hạn khai thác nào được cho phép?

Theo hồ sơ mà PV có được, công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong (có trụ sở tại quận 9, TP.HCM) được cấp phép nạo vét trên diện tích là 15 hecta, với chiều dài dọc sông là 6,8 km.

Toàn bộ diện tích nạo vét nằm trong lòng hồ đập dâng Tà Pao được giới hạn bởi tọa độ: điểm đầu là là 1232.360,35; 417.992.22 và điểm cuối là 1233.322,61;421.375,16.

Vị trí nạo vét tận thu khoáng sản trong lòng hồ đập dâng Tà Pao của công ty Thuận Phong thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, với mục đích nạo vét làm tăng dung tích lòng hồ, đồng thời tận dụng khối lượng cát bồi lắng thu được trong quá trình nạo vét để phục vụ nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn huyện Tánh Linh.

Việc này được cho là nhằm hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, tránh lãng phí tài nguyên và tăng nguồn thu ngân sách, giảm chi phí của ngân sách Nhà nước để đầu tư cho việc nạo vét công trình.

Dù theo giấy phép là việc khai thác cát bồi lắng có được sẽ phục vụ nhu cầu trên địa bàn huyện Tánh Linh nhưng lại “được phân phối đi khắp nơi trên địa bàn của các huyện/thị của tỉnh Bình Thuận. Thậm chí, còn đưa cát về các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, TP.HCM… nếu anh có nhu cầu”, người làm việc tại bãi cát của công ty Thuận Phong cho biết.

Cầu giáp ranh giữa Đồng Kho và La Ngâu (Quốc lộ 55) không hề có biển báo nào.

Trong một lần kiểm tra của đoàn Liên ngành tỉnh Bình Thuận hồi tháng 7/2020, công ty Thuận Phong có 3 bãi tập kết cát. Bãi 1 có khối lượng khoảng 50 m3, bãi 2 có khối lượng khoảng 1.200 m3, và bãi 3 có khối lượng 800 m3.

Một vấn đề đáng quan ngại hơn, là xe ben cỡ lớn của công ty Thuận Phong chở cát phóng với tốc độ chóng mặt. Những ngày có mặt tại khu vực này, nhóm PV không hề có chốt CSGT hay Thanh tra giao thông kiểm soát nào.

Lạ lùng hơn, trên tuyến Quốc lộ 55, đoạn qua địa bàn các xã La Ngâu, Đồng Kho không hề có bất cứ biển báo quy định tốc độ, tải trọng nào, kể cả đoạn qua những cây cầu?.

Nhóm PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

SONG TÙNG – TRUNG HOÀNG
098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ