Danh ca Bạch Yến, bí quyết giữ lửa cho cuộc hôn nhân mặn nồng hơn 40 năm

17/09/2020 07:13

Được báo chí nước ngoài mệnh danh là “Cinderella Việt Nam”, nhưng cuộc đời nữ danh ca Bạch Yến lại không có đôi giày pha lê định mệnh cho riêng mình. Bà sống bình lặng và giản dị, đón nhận vinh quang cũng bình thản không kém.

Nỗ lực khác biệt để bước ra quốc tế

Những năm trước 1975, Bạch Yến sớm nổi danh tại Sài Gòn xưa với giọng hát trầm đặc biệt. Từ những ngày đầu tiên ấy, chắc hẳn Bạch Yến cũng không thể nào ngờ được con đường đời lại đưa bà đến những miền đất xa xôi đến vậy.  Sinh ra trong một gia đình có tới tám người con ở Sóc Trăng, danh ca Bạch Yến từng trải qua tuổi thơ nhiều gian khó với những cuộc phiêu bạt hải hồ của cha mẹ bởi mưu sinh. Sau biến cố chia tay của bố mẹ, bà phải tạm gác nhiều mơ ước học hành để bước vào trường đời và nghiệp cầm ca từ rất sớm.

Nhờ vốn học có được trong trường của người Pháp, cộng với đam mê ca hát, khi vào nghề biểu diễn tại các vũ trường ở Sài Gòn, Bạch Yến gây ấn tượng với người xem bằng các ca khúc tiếng nước ngoài. Chưa một lần được đào tạo thanh nhạc. Trường lớp dạy ca hát thời đó ở Sài Gòn không có. Cách duy nhất để Bạch Yến trau dồi kiến thức và kỹ năng biểu diễn là học qua các đĩa hát của nước ngoài. Bà còn nhớ ngày đó, mỗi dịp có người thân, bạn bè ở nước ngoài về Sài Gòn, bà chỉ có mong muốn được tặng những đĩa hát để có tài liệu học tập.

Không biết tiếng Anh, bà học bằng cách nghe thật kỹ cách phát âm của ca sĩ trong đĩa hát. Sau đó, bà ghi lại theo kiểu phiên âm của riêng mình và bắt chước. Tập thành thục tới mức dù chưa hiểu ý nghĩa của ca từ, nhưng bà vẫn phát âm rất chuẩn. Sau này, khi gặp các thầy giáo giỏi tiếng Anh, bà đọc lại cho họ phần âm để nhờ chép lại phần lời, họ đã rất kinh ngạc vì khả năng phát âm của bà. Có lẽ vì những sự này mà chính bản thân Bạch Yến cũng thấy, bà có năng khiếu thẩm âm đặc biệt. Chỉ cần nghe ai nói, bà có thể bắt chước lại được đúng kiểu nói và giọng nói của họ.

Tiếng hát của Bạch Yến đã vượt qua biên giới bằng nỗ lực không ngừng.

Say mê với nghiệp ca hát, chưa bao giờ nghệ sỹ Bạch Yến hài lòng với những gì đã làm được. Vì lẽ ấy, ngay cả khi được khán giả Sài Gòn nhiệt liệt tán thưởng, bà vẫn ấp ủ khát vọng được ra nước ngoài học tập, trau luyện thêm kỹ năng thanh nhạc. Vậy là vừa biểu diễn kiếm sống, bà vừa dành dụm tiền bạc, chuẩn bị cho hành trình mơ ước của mình.

Suốt từ năm 1961-1963, bà hiện thực hóa giấc mơ sang Pháp học thanh nhạc. Làm việc với các hãng thu âm và sản xuất băng đĩa tại đây, bà như được “mở mắt” trước một chân trời rộng rãi và có tác động mãnh liệt tới nhận thức về nghệ thuật. Người ta không chấp nhận những gì bà đã “sao chép” một cách thành thục phong cách biểu diễn của các nghệ sỹ khác. Họ cần một sự “rất riêng” của bà. Vậy là từ lúc này, Bạch Yến buộc phải rời bỏ tất cả những gì đã làm nên một danh ca Bạch Yến của Sài Gòn trước đó, để học hát bằng trái tim, bằng xúc cảm của chính mình. Và nó cũng có nghĩa, bà bước ra khỏi vùng an toàn để đương đầu với những thách thức nghề nghiệp mới.

Lại là những chuỗi ngày khổ luyện. Lần này, áp lực cạnh tranh còn lớn hơn nhiều so với ở quê nhà. Tài năng đã có. Kỹ thuật cũng sẽ có nếu rèn giũa. Nhưng còn phải làm thế nào để khẳng định mình giữa thị trường giải trí nói chung và thị trường âm nhạc nói riêng đã có quá nhiều tên tuổi? Vì câu hỏi đó, Bạch Yến buộc phải nghĩ tới một lối đi riêng.

Bước qua tuổi 77, Bạch Yến vẫn tươi trẻ nhờ cuộc sống hôn nhân viên mãn.

Câu hỏi đó càng trở nên bức thiết hơn khi bà được mời sang Mỹ biểu diễn và thu âm. Đã có quá nhiều ca sĩ châu Á hát tiếng Anh thành danh ở Mỹ. Vậy là Bạch Yến quyết định chọn hát tiếng Pháp và những tiếng khác là Tây Ban Nha, Italia.

Sự độc đáo và khác biệt là những thách thức gian khổ nhưng cũng nhiều ngọt ngào với một nghệ sỹ luôn bắt mình phải “mới” như Bạch Yến. Bà đã khổ luyện mỗi ngày để có thể trình bày những ca khúc dân ca của người Mexico bằng tiếng Tây Ban Nha với những thay đổi cao độ và khúc thức rất phức tạp. Cho tới giờ, trong số những tác phẩm âm nhạc đã biểu diễn, bà vẫn tâm đắc nhất với bài La Llorona (Người tình nữ khóc than) là dân ca của người Mê-xi-cô, một ca khúc không dễ gì để thể hiện thành công.

Cuộc hôn nhân ly kỳ vẫn mặn nồng hơn 40 năm

Dù đã cùng ở tuổi ngoài 70, nhưng vợ chồng danh ca Bạch Yến và nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai giáo sư Trần Văn Khê) vẫn đang chung hưởng cuộc hôn nhân ấm áp tình tri kỷ. Người ta sẽ ngưỡng mộ và thậm chí có phần kinh ngạc khi biết rằng, cuộc hôn nhân vượt qua mốc “đám cưới bạc” rất nhiều năm này đã bắt đầu từ lời cầu hôn sau phút đầu gặp gỡ chỉ một ngày của hai người tại Pari.

Trong một lần giao lưu âm nhạc ở Pháp, giáo sư Trần Văn Khê chỉ về phía cậu thanh niên gầy ốm, đen đúa đứng khúm núm phía cuối dãy ghế khán giả, nói nhỏ với Bạch Yến: “Tôi có thằng con trai từ Việt Nam mới qua, nó đứng đằng kia kìa”. Lúc đó, Bạch Yến không có ấn tượng gì lắm với Trần Quang Hải.

Bẵng đi rất nhiều năm sau đó, bôn ba ở xứ người, Bạch Yến không gặp lại Trần Quang Hải. Đất nước thống nhất, gia đình bặt tăm tin tức khiến Bạch Yến hoang mang. Mang nỗi buồn lữ thứ, bà đứng ngẩn ngơ trước cửa nhà hát Pháp. Giờ biểu diễn sắp bắt đầu nhưng có thứ gì thôi thúc bà chờ đợi. Bỗng một gương mặt rất quen ôm chầm lấy bà, hôn vào má. Đón bó hoa từ tay gương mặt quen, bà ngạc nhiên hỏi: “Ủa, anh biết tôi là ai không mà ôm hôn?”.

Người đàn ông cười: “Ca sĩ Bạch Yến chớ ai”. Bạch Yến đỏ lựng cả má, bà vắt óc vẫn không biết gương mặt quen này mình đã gặp ở đâu, tên là gì. “Không nhận ra tôi hả, tôi là con trai của giáo sư Trần Văn Khê nè”.  Đến lúc này bà càng mở to mắt. Vì người đàn ông đứng trước mặt không còn vẻ gầy gò, đen đúa như ngày nào. Ông trông phong độ, hồng hào, đi cạnh là cô con gái nhỏ của người vợ đã ly dị. Bấy giờ, tên tuổi ông đã nổi danh với tư cách là một giáo sư nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Vậy là gần 20 năm xa cách, hai người mới có duyên hội ngộ trên xứ lạ.

Cuộc hôn nhân sau vài ngày hẹn hò với nhạc sĩ Trần Quang Hải là niềm tự hào của ca sĩ Bạch Yến suốt hơn 40 năm qua.

Vị giáo sư ngỏ lời mời nữ danh ca đi ăn tối. Bên ánh nến lãng mạn, hai người nói đủ chuyện trên trời, dưới đất, vui quá Trần Quang Hải khoát tay: “Hay là hai đứa mình lấy nhau đi”. Bạch Yến tưởng ông giỡn, cũng nháy mắt và đồng ý. Hai tuần sau, 400 thiệp cưới được phát ra khiến Bạch Yến hốt hoảng kéo tay Trần Quang Hải: “Bộ anh định làm thiệt hả?”. Ông cười khà khà. Bà tặc lưỡi, thôi thì ném lao thì phải theo lao. Vậy là chỉ hai tuần sau khi lời cầu hôn được chấp thuận, một đám cưới nhẹ nhàng, giản dị đã diễn ra trước sự bất ngờ của nhiều người vào năm 1978.

Không có con nên Bạch Yến dồn hết tình yêu thương của mình cho con chồng. Xa quê hương và gia đình từ nhỏ nên Bạch Yến luôn hướng về cội nguồn, khát khao hơi ấm gia đình. Có thể nói bà là người truyền cho con chồng tình yêu quê Việt khi dạy cho cô bé nói tiếng Việt, làm các món ăn dân tộc như canh chua, thịt kho trứng, muối dưa… Ngày con gái đi lấy chồng, bà là người khóc nhiều nhất, mẹ con bịn rịn khiến chẳng ai nghĩ họ là mẹ ghẻ, con chồng. Cũng không mấy người hành xử như danh ca Bạch Yến khi đưa vợ cũ của chồng về ở lại nhà trong những dịp người đó tới thăm con. Thậm chí, giữa hai người phụ nữ này còn thiết lập được cả tình thân bè bạn. Dường như với bà, niềm tin về bản thân luôn mạnh mẽ, nó tạo nên sự chủ động trong mọi hành xử cuộc sống cũng như công việc.

Yêu chồng, Bạch Yến bước vào âm nhạc dân tộc, lĩnh vực vô cùng khó khăn, lạ lẫm với một ca sĩ chuyên trị tân nhạc, nhạc ngoại quốc như bà. Phải mất 15 năm, Bạch Yến mới có thể lướt đàn tranh, ngân nga khúc dân ca, cùng chồng đi khắp gần 80 quốc gia để quảng bá âm nhạc dân tộc.

Bây giờ, ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, đã lên chức ông bà ngoại nhưng Bạch Yến – Trần Quang Hải vẫn hưởng cuộc sống ngọt ngào của đôi tình nhân trẻ. Ngoài thời gian cùng nhau rong ruổi khắp các nước để giới thiệu âm nhạc dân tộc, vợ chồng nữ danh ca còn khoác ba lô đi du lịch nhiều nơi, tặng nhau những món quà bất ngờ và nắm chặt tay nhau trước mọi đổi thay, biến động.

Hà Nhân
098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ