Cảm thấy ngại khi có người bưng cơm, che dù
Diễn viên có phải là mơ ước của chị từ tấm bé?
Chưa bao giờ, tôi ước mơ làm diễn viên, mặc dù hồi nhỏ thích xem phim cổ trang, võ thuật Hồng Kong. Năm 2002, sau khi ly hôn chồng, tôi có thói quen xem báo Đất Mũi. Báo này có đăng tải nhiều hình diễn viên nước ngoài cũng như trong nước như anh Lý Hùng, Việt Trinh… Vô tình, tôi nhìn thấy một mục nhỏ tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng của hội Điện ảnh TP.HCM. Tôi cũng bắt đầu để ý, mà không dám nghĩ xa hơn.
Diễn viên Kiều Trinh
Trời xui đất khiến, lễ 30/4, tôi dẫn bé Tú vào Đầm Sen chơi, thấy một nhóm cascadeur đang biểu diễn. Thấy thích, tôi đứng lại bắt chuyện, mấy bạn cũng trạc tuổi nên dễ nói chuyện, rồi xin số điện thoại. Chơi khoảng mấy tháng, biết anh Lê Quang, tôi mới bạo gan gọi cho ảnh hỏi về việc tạp chí điện ảnh đăng tin tuyển lớp diễn xuất. Anh Quang hướng dẫn tôi cứ mặc đồ lịch sự đến đó thử sức.
Buổi tuyển có gần 300 bạn đến, cuối cùng tôi và khoảng 30 được nhận vào lớp học. Nghe được học, tôi cũng mừng lắm nhưng phải đóng học phí 1 triệu đồng cho một năm. Thực sự, một triệu cho một năm thì không nhiều nhưng với tôi, con số đó rất lớn. Tôi mới gặp anh Lê Quang tâm sự, anh liền nói với câu lạc bộ cho tôi trả góp học phí. Vô tình chưa đầy 2 tháng sau, tôi được nhận vào phim “Mùa len trâu” cũng nhờ anh Lê Quang.
Lần đầu làm diễn viên mà được vào vai chính, liệu có làm chị ngỡ ngàng, lơ lửng?
Lần đầu tiên, tôi có được một số tiền quá nhiều từ cát-xê phim. Cơm có người lấy cho ăn, ngồi có người bưng nước đến. Nói chung, cảm giác mình có người đứng che dù rất ngại luôn, chưa bao giờ được như vậy.
Có một sự cố, trong thời gian đoàn phim “Mùa len trâu” quay, ba tôi bị tai biến, nằm liệt. Đoàn quay được 1, 2 ngày, tôi gọi điện trả vai, bởi không còn tâm trí để làm việc. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới nói, không thể nào, mọi thứ đã chạy rồi, không thể thay đổi được nữa. Má mới động viên tôi, mình đã ký hợp đồng thì phải có trách nhiệm, con cứ đi để má lo.
Ngày đầu tiên xuống phim trường, cảnh quay rất đơn giản nhưng tôi phải quay 12 test, mặt cứ nặng như chì, nhà sản xuất rất cáu nên hỏi và anh Minh đã giải thích giúp tôi. Quả thật, đến bây giờ, tôi luôn nhớ và mang ơn anh Minh. Anh là một người anh, người thầy, cũng là người ơn của đời tôi.
Ngày hôm sau, mọi thứ ổn định hơn. Trong khi quay, tôi rớt xuống nước nhưng không kêu cứu mà tự cố nắm mạn thuyền leo lên. Leo hoài không được, cuối cùng tôi phải kêu cứu. Biết chuyện, anh Minh nhắc nhở: “Tại sao mọi người không ai để ý diễn viên chính của tôi, lỡ cổ bị gì thì sao…”. Từ đó về sau, tôi đi đâu cũng có người kè kè sát bên.
Thấy mọi người dọn dẹp bối cảnh, tôi cũng nhảy vào phụ, anh Minh nói: “Không, em không được làm gì cả, đứng yên đây”. Ảnh mới kêu một người khác đứng lên, nhường ghế cho tôi ngồi. Qua hôm sau, tôi nhìn thấy ánh mắt hình viên đạn của người này hướng đến mình. Tôi thấy không ổn, nghề này phức tạp quá. Không vui!
Sau phim “Mùa len trâu”, tôi tuyên bố với anh Minh sẽ bỏ nghề, không làm diễn viên nữa. Tôi nói, “Mùa len trâu” là phim đầu tiên cũng như phim cuối cùng trong cuộc đời tôi. Nghe vậy, lúc về Mỹ, anh vẫn viết mail, động viên tôi.
Gặp nhiều thị phi khi đóng “cảnh nóng”
Khán giả, báo chí đặt cho chị biệt danh “Nữ hoàng cảnh nóng” nhưng dường như chị không mấy yêu thích cách gọi này?
Tôi nói thật, gọi “Nữ hoàng cảnh nóng” nhưng tôi đâu có đóng nhiều “cảnh nóng”. Lúc đầu mới nghe biệt danh này, tôi khó chịu lắm. Thực sự, tất cả phim mà tôi tham gia đều mang tính nghệ thuật, được gửi dự thi ở các Liên hoan phim (LHP) quốc tế nên ít nhiều đều có “cảnh nóng”. May mắn, đa số những phim có tôi tham gia diễn xuất đều đạt giải quốc tế. Cho nên, giới chuyên môn trong nước lẫn ngoài nước đánh giá cao, tôi mới đỡ khó chịu chút xíu.
Kiều Trinh trong phim Mùa len trâu
Lần đầu tiên nghe cụm từ “Nữ hoàng cảnh nóng”, tôi rất khó chịu. Sau đó, các đạo diễn Cường Ngô, Vũ Ngọc Đãng nói, các anh không nghĩ ở Việt Nam có một người diễn hết mình theo đúng chất diễn viên quốc tế như tôi. Nghe những lời động viên đó, tôi thấy hãnh diện.
Tôi nghĩ, bản thân may mắn được làm việc với các anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Phan Đăng Di, Vương Đức… những người tạo cho tôi niềm tin rằng, tác phẩm đó, câu chuyện đó cần những cảnh quay như vậy. Thế nên, tôi rất thoải mái khi diễn “cảnh nóng”. Phần khác, tôi đã ly hôn nên không còn tâm lý sợ ảnh hưởng đến hôn nhân và cha mẹ tôi luôn ủng hộ những gì tôi làm.
Với các cảnh quay của những phim tôi tham gia, “cảnh nóng” nhất phải kể đến trong bộ phim “Bi ơi, đừng sợ” nhưng tôi thấy rất bình thường, một câu chuyện rất bình thường. Tôi thấy thoải mái khi diễn cảnh đó. Tôi nhớ để quay “cảnh nóng” này, anh Phan Đăng Di phải chuẩn bị 12 ngày. Đêm quay, ảnh đuổi hết mọi người, chỉ còn phó đạo diễn, 1-2 anh quay phim và quay từ 0 - 5h sáng. Anh nói, nếu quay không xong thì hôm sau làm tiếp nhưng tôi nói chuyện với bạn diễn và anh Di: “Trinh muốn làm gì đó tốt nhất, mình không làm đi làm lại”. Cuối cùng, cảnh đó tôi diễn trong 2 tiếng đã hoàn thành.
Việc thể hiện khả năng diễn xuất chuyên nghiệp trong các “cảnh nóng” dễ bị đánh đồng với chuyện diễn viên dễ dãi trong chuyện tình cảm. Chị có lâm vào hoàn cảnh này không?
Hình như là nhiều. Thời điểm đó, tôi còn làm quản lý quán bar. Ai nghe tới quán bar cũng nghĩ ăn chơi, sexy ghê lắm… Điều tiếng trong giới cũng nhiều. Sau này, thấy tôi có 3 đứa con, nhiều người đồn tôi có đại gia nuôi. Nhiều người đồn đại, nói tôi “này nọ” với anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới được vai chính trong “Mùa len trâu”, rồi với các đạo điễn “Rừng đen”, “Bi ơi, đừng sợ”…
Đổ vỡ hôn nhân cũng không khóc
Sau đổ vỡ hôn nhân, chị có trải qua những đêm trường ôm con khóc thương cho số phận?
Tính tôi không mít ướt. Tôi giống má. Tôi nhớ, mình chỉ khóc một lần duy nhất khi hay tin má mất. Tôi thấy ân hận khi dành quá nhiều thời gian cho mối tình thứ hai trong khi má bị ung thư. Tôi khóc khi nghĩ về má, còn về tình cảm thì tôi không khóc.
Kiều Trinh hợp với những vai phụ nữ có số phận truân chuyên.
Sau khi má mất, 2 năm, tôi không nói chuyện với ai, cả với người chồng thứ hai mà chỉ biết đi làm. Thời điểm đó, ngoài việc má mất, tôi còn bị bệnh, bị lừa tiền, hôn nhân không suôn sẻ, sinh xong chỉ còn một ít tiền trong túi, phải lao vào làm việc.
Có thời điểm không tiền, mượn được 50.000 đồng, tôi mừng dữ lắm. Với số tiền ít ỏi, tôi phải tính toán để dùng trong mấy ngày. Mỗi bữa ăn tôi tiêu 10.000 đồng, 1 hộp sữa cho thằng nhỏ, còn tôi với bé Tú mỗi người nửa ổ bánh mì không.
Càng nói càng thương Tú, dù sau này có một chút hiểu lầm nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy con gái đã chịu cực khổ với mình quá nhiều. Nếu như đứa khác chắc nó hư rồi mà Tú không hư lại phấn đấu và có ý chí. Có khoảng thời gian bị trầm cảm, tôi thường đau đầu, đập đồ, xé váy… Những lúc như vậy, bé Tú ôm tôi lại và nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng như vậy nữa. Mẹ đau thì mẹ đánh con đi cho mẹ bớt đau”, những câu nói của con gái giúp tôi vượt qua bóng tối.
Sau những biến cố trong hôn nhân, chị vẫn chọn yêu và làm mẹ. Có vẻ chị khá quyết tâm xây dựng một mái ấm?
Tôi không quyết tâm. Nó tự đến. Sau ly hôn người chồng đầu tiên, tôi ra Hà Nội làm quán bar. 2h sáng, tôi trở về nhà trọ trên chiếc xe gắn máy, đi từ trung tâm về ngang hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, lá me bay đẹp lắm. Mùa thu Hà Nội mát mẻ, các bạn trẻ thường đeo khăn, đứng hẹn hò rất lãng mạn, chăm sóc nhau rất tình tứ. Nhìn cảnh ấy, tôi nghĩ bụng: “Giả dối chả có hạnh phúc đâu, yêu vậy đó không biết mai mốt thế nào đâu, hạnh phúc được bao lâu…”. (Cười lớn)
Tôi không có dự định xây dựng một mái ấm mới, nếu muốn, thời điểm làm quán bar có rất nhiều người theo đuổi, trong đó có đại gia thì tôi đã chọn rồi. Vả lại, môi trường quán bar, mấy ông đại gia nay đi cô này mai cô kia, như thay áo, tôi thấy cảnh đó nên không còn niềm tin vào tình cảm.
Đến gần 9 năm sau, tôi mới quen người thứ hai. Khi quen anh ấy, tôi cũng không dự định lập gia đình, có con. Đến khi có em bé, tôi mới dự định đi đường dài nhưng lúc này anh ấy đã khác. Tôi không trách anh, anh không phải là người xấu, có quá nhiều biến cố xảy ra dồn dập, biến anh thành con người khác. Tôi đã cố gắng sống chung để cảm hóa anh trở lại con người như cũ nhưng anh không nhận ra và không thay đổi. Tôi buộc phải chọn con đường tốt nhất, rời xa anh để bảo vệ các con.
Xin cảm ơn chị đã có những chia sẻ chân tình và thú vị!
May mắn gặp được đạo diễn có tài, có tâm
Nhận kịch bản phim đầu tiên - “Mùa len trâu” có “cảnh nóng”, chị có e ngại?
Má Ánh Hoa đóng chung phim “Mùa len trâu” nói với tôi: “Con may lắm, mới gặp được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, chứ gặp người khác con bỏ nghề. Quả thật, anh cho mình cảm giác thân thiện, như người thân, nên mình tin tưởng tuyệt đối. Thực sự, tôi đã lấy chồng, có mặc bikini nhưng chưa bao giờ cởi áo trước một người đàn ông không có tình cảm chứ đừng nói cả một đoàn phim. Tôi thấy ngại và sợ, anh mới động viên tôi cứ an tâm, tôi cảm thấy thoải mái thì làm, không thoải mái thì dời lại hôm khác.