Khôi phục chợ truyền thống, chợ đầu mối: Kênh tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất

04/11/2021 09:52

Việc khôi phục lại các chợ được kỳ vọng sẽ là kênh tiêu thụ quan trọng, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản ổn định trong thời gian tới.

2/3 chợ đầu mối đã hoạt động

Theo Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, từ ngày 1/11 chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động trở lại với khoảng 30% công suất sau khi đáp ứng các tiêu chí an toàn về chống dịch.

Trước đó, từ đêm 31/10 đến rạng sáng 1/11, các thương nhân của chợ đầu mối Bình Điền đã bắt đầu tiếp nhận hàng hóa từ những đối tác, cung cấp cho các bạn hàng ở khu vực Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, ngay trong đêm đầu tiên mở lại có khoảng 4.000 lượt người ra vào chợ, sản lượng hàng nhập chợ trong đêm đạt hơn 335 tấn hàng hóa các loại.

Ngoài chợ Bình Điền, vào ngày 21/10 vừa qua, chợ đầu mối Hóc Môn đã hoạt động trở lại với 50% công suất sạp hàng và đã có khoảng 400 tấn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về ngay trong đêm đầu tiên. Dự kiến chợ sẽ được khôi phục hoàn toàn nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Tiêu dùng & Dư luận - Khôi phục chợ truyền thống, chợ đầu mối: Kênh tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất

Ảnh minh họa. 

Như vậy, tới thời điểm hiện tại Tp.Hồ Chí Minh đã khôi phục 2/3 chợ đầu mối (hiện chỉ còn chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chưa hoạt động). Việc khôi phục hoạt động chợ đầu mối được các hiệp hội, ngành hàng đánh giá cao bởi các chợ đầu mối này nằm tại các khu vực cửa ngõ của Thành phố, kết nối đến các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên nên đã trở thành các trung tâm tập trung và trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước; giúp đảm bảo đầu ra cho các hộ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khuyến khích người dân tăng cường chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng quy mô sản xuất; góp phần phát triển nông nghiệp cho khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ truyền thống từng bước mở lại trong an toàn

Đối với chợ truyền thống, thông tin từ Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 1/11 đã có 130 chợ truyền thông tại Tp.Hồ Chí Minh hoạt động trở lại. 104 chợ còn lại vẫn đang trong lộ trình mở lại hoạt động, trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Tại nhiều chợ truyền thống khác mặc dù chưa chính thức được hoạt động nhưng tại các chợ vẫn có nhiều quầy, sạp bán các loại rau, củ, quả, thịt. Theo dự kiến, từ nay đến ngày 5/11/2021, Thành phố sẽ mở lại thêm 18 chợ.

Như vậy, cùng với lộ trình nối lại sản xuất, phục hồi kinh tế, cho phép mở lại các loại hình dịch vụ, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh hiện đã ổn định trong trạng thái bình thường mới.

Việc các chợ mở lại đã góp phần đưa tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố hiện tăng lên, ước đạt 5.771,9 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ước đạt 1.330 tấn/ngày; Các doanh nghiệp Bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).

Tiêu dùng & Dư luận - Khôi phục chợ truyền thống, chợ đầu mối: Kênh tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất (Hình 2).

Ảnh minh họa. 

“Chúng tôi kỳ vọng Tp.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khôi phục lại chợ đầu mối và những chợ truyền thống còn lại trong thời gian sớm nhất để giúp việc tiêu thụ rau quả được thuận lợi hơn”- ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.

Trước đó, theo ông Nguyên, do loạt chợ đầu mối và chợ truyền thống của Tp.Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động đã khiến cho nhiều loại nông sản đến mùa vụ thu hoạch ở các tỉnh Tây Nam bộ, Tây Nguyên bị ùn ứ. Mặc dù các kênh phân phối hiện đại đã vào cuộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ rau củ quả song do lượng hàng bán tại các kênh này chưa nhiều nên không thể “hấp thụ” được hết diện tích mà nông dân các tỉnh trồng. Chính vì thế, việc mở lại các chợ tại Tp.Hồ Chí Minh sẽ là kênh tiêu thụ quan trọng, góp phần giải quyết đầu ra cho rau quả ổn định trong thời gian tới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 43.602 tỷ đồng

Trên lĩnh vực nội thương, bước sang tháng 10, hoạt động thương mại dịch vụ tại Tp.HCM bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, đây là thời điểm gần cuối năm, nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 dự ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 giảm 0,41% so với tháng trước, tăng 2,02% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân năm 2020. So với tháng trước có 04 nhóm chỉ số giá giảm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (+2,14%).

Kích hoạt phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá trong nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của những biến động trên thị trường hàng hoá thế giới, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng sẽ tiếp tục ở mức cao. Vào dịp cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hoá tăng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với tinh thần "đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá trong bất cứ hoàn cảnh nào", Bộ Công Thương đã kích hoạt các phương án, huy động các nguồn cung, kể cả các địa bàn có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Hiện tại, các doanh nghiệp đã chủ động có phương án cung ứng hàng hoá, các địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó tốt hơn và cũng đã có kế hoạch triển khai các Chương trình bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hoá thiết yếu sẽ ít có biến động bất thường...

Theo: Người Đưa Tin

 

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ