Con trai “vua” trống Đông Dương giấu cha học nhạc
Lớn lên trong gia đình nghệ thuật danh tiếng lẫy lừng, mỗi ngày, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh được lẽo đẽo theo cha, nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu (tên thường gọi Huỳnh Hiếu hay Huỳnh Háo), tay trống số một Đông Dương. Tiếp xúc với môi trường âm nhạc thông qua người cha, cậu bé Hữu Thạnh nhanh chóng nhận ra mình cũng thực sự yêu thích tiếng đàn, tiếng trống… Thế nhưng, cha của Thạnh không muốn con theo nghề của mình mà muốn con trai làm luật sư, bác sĩ… Cũng như bao gia đình khác, nếp nhà của nhạc sĩ Huỳnh Hiếu rất khuôn phép, nên Hữu Thạnh luôn tuân theo những lời giáo huấn của cha và ông nội.
Có một khoảng thời gian, cậu bé Hữu Thạnh mang bệnh phải nằm nhà 2 năm ròng rã. Buồn chán, cậu lôi đủ thứ sách ra đọc. Đọc đến những quyển sách viết về khảo cổ, cậu lại cảm thấy yêu thích và mong muốn được đi du học ngành học đặc biệt. Thế nhưng, tình yêu âm nhạc lại quá lớn, chiếm trọn trái tim biết thổn thức của cậu bé Hữu Thạnh. Vậy là, ông lén lút học và chơi nhạc tại trường trung học Chí Thiện (trong khuôn viên nhà thờ Chợ Quán). Năm học lớp 6, chương trình hòa tấu của ban nhạc nhà trường do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đa chỉ huy được đài truyền hình số 9 thu lại, rồi phát sóng. Ông nghĩ không sao bởi ban đêm khi truyền hình chiếu, cha của ông đang làm việc nên không biết. Không dè đêm ấy cha ông bệnh nằm nhà. Thế là, sáng hôm sau, cha ông gọi ông đến nói chuyện.
Ông cứ ngỡ mình sẽ bị trách phạt nhưng không ngờ cha của ông chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Cha ông muốn con trai hứa học văn hóa với thành tích thấp nhất cũng phải đạt được hạng 5 mới được học nhạc.Kể từ đó, Hữu Thạnh không còn tuổi thơ, vui chơi cũng diễn ra trên bàn học. Mỗi ngày, đi học về, ăn cơm, ngủ trưa, ôn bài, tối đến, ông lại xách cặp theo cha học nhạc. Nhạc sĩ Hữu Thạnh nhớ lại: “Thời điểm ấy, ai muốn học để trở thành một nhạc sĩ không hề đơn giản. Ngoài kiến thức, kỹ thuật…, người học phải rèn giũa đạo đức rất nghiêm khắc”.
“Dù chỉ đang học, bạn cũng phải ăn mặc thật đẹp. 20h làm việc với ban nhạc thì 18h phải ăn cơm, 19h phải sắp xếp đồ đạc. Phải khiêm tốn, biết trên, biết dưới. Người học phải thực tập 6 tháng, có nhóm nhạc mời thì mới chính thức trở thành nhạc công. Thời của tôi, nhạc sĩ không nhiều lắm. Tôi còn nhớ một chuyện vui liên quan đến việc cha dạy tôi tính kỹ lưỡng, bảo quản nhạc cụ. Cha thường bảo tôi lau trống. Tôi lau đến từng con sò quanh thân trống. Thế nhưng, khi dùng tay quệt vào chiếc trống, cha tôi vẫn chưa thấy hài lòng nên cốc đầu tôi đau điếng.
Ngoài ra phải tập chơi bộ gõ như bongo, conga, maracass, tambourin để chơi trong những điệu nhạc phù hợp và để nắm vững nhịp nhàng, to nhỏ trong bài nhạc đó. Bên cạnh đó, tôi còn lo viết partition (phân phổ nhạc cụ) cho ban nhạc chơi đôi khi tập, đôi khi chơi ngay không tập.
Có lần cha tôi dặn: “Bài của ba viết bút lông nét nhỏ, không viết bút bi”. Tôi đáp: “Dạ con nhớ”. Đêm đó sau khi chơi xong một bài mambo không trục trặc gì nhưng ba tôi hằm hằm gom các bài vừa chơi... quăng ra giữa sàn nhảy! Tôi bước xuống nhặt từng tờ từng tờ dưới chân khách mà không hiểu vì sao và ôm đàn lặng lẽ vào một bài slow dưới ánh đèn xanh mờ ảo. Sau ít phút, ba tôi đến nói nhỏ vào tai tôi: “Ba dặn con viết bài thế nào?”. Tôi ngớ ra ấp úng. Cha tôi nói tiếp: “Có chút chuyện nhỏ không làm được thì làm được chuyện gì?”. Thì ra, tôi quên viết bút lông nét nhỏ và cha tôi thì mắt hơi yếu”, nhạc sĩ Hữu Thạnh thuật lại.
Nhờ khổ luyện, năm 15 tuổi, Huỳnh Hữu Thạnh trở thành nhạc sĩ trong sự ngưỡng mộ của bạn bè. Thế nhưng, những hà khắc của nghề chẳng mấy người hiểu được và biết đến. Trừ những người chơi: Trống, piano, còn lại tất cả phải đứng 3 giờ đồng hồ trên sân khấu, không được nghỉ, không hút thuốc... Bởi chỉ khi đứng, người nhạc công mới trở thành người biểu diễn hạng nhì tính sau ca sĩ. Sinh viên nhạc viện ra vẫn phải đi tập sự để trở thành nhạc công thực thụ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, học nhạc chuyên nghiệp không phải trả học phí. Người muốn trở thành nhạc sĩ thường được một nhạc sĩ tên tuổi nhận làm “đệ tử”. Để đền ơn thầy, trò sẽ giúp việc cho thầy hoặc cũng chẳng cần làm gì, chỉ cần học giỏi.
Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh được gửi theo học với một người chú. Tại đây, ông được học kỹ thuật cơ bản, nhạc lý, xướng âm, hòa âm sau đó học bài để đi làm, trong quá trình học phải tự rèn luyện để học thêm. Môi trường nhạc sĩ lúc này cũng rất thân thiện, quý nhau bằng cái tâm trong sáng, không có sự ganh đua, dè bỉu sau lưng. Lương nhạc sĩ biểu diễn tuy không bằng thu nhập của nhạc sĩ sáng tác nhưng cũng sống tốt.
Chân thật trong âm nhạc, tiếng đàn
Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh quan niệm: “Âm nhạc là một thuật số dài ngắn, cắt thả, im lặng cộng với chút rung động của trái tim. Âm nhạc phải chính xác. Người ta nói âm nhạc phải phiêu, ngả ngớn. Không phải đâu, âm nhạc tuyệt đối chính xác mới hay. Năm nay 61 tuổi, nhưng lớp trẻ có gì hay tôi vẫn học. Từ nhỏ, tôi đã được dạy một câu: “Hỏi một lần mang tiếng dốt một lần, không hỏi mang tiếng dốt suốt đời”. Có lẽ, ông chịu sự ảnh hưởng từ cha và ông nội rất nhiều, đó là sự hiếu thảo, lòng yêu nước, tính chân thật. Sự chân thật sau đó đã ngấm vào sáng tác, tiếng đàn của ông.
“Hồi nhỏ, tôi có học đánh trống nhưng cũng không nhiều người biết. Một dịp tình cờ, người đánh trống cho ban nhạc, nhạc sĩ Huỳnh Anh, tác giả bài Mưa rừng, bỏ nửa chừng. Lúc này, một tay trống người Hoa ở Chợ Lớn giới thiệu con trai của ông đến chơi thế chỗ nhạc sĩ Huỳnh Anh. Người này chưa từng biểu diễn trên sân khấu nhưng đánh lại quá hay. Tôi thầm nể phục trong lòng. Cha của người này liền quay qua hỏi tôi học gì, tôi ngại ngùng nói dối học guitar. Ông ấy nói: “Cậu con “vua” trống mà không biết đánh trống”. Tôi im lặng, lòng thầm nghĩ đánh như vậy làm sao tôi đánh lại. Thế là, tôi lật đật chuyển sang học guitar thật”, nhạc sĩ Hữu Thạnh kể.
Sau khi bài hát Sương Khói (Chế Thanh trình bày đầu tiên vào 1992) được đàn anh cùng các ca sĩ nổi tiếng hát và khuyến khích nên đi thêm vào con đường sáng tác, nhưng ông không tiếp tục mà lặng lẽ sáng tác và cất giữ nỗi vui buồn của mình trong lòng. Nói về việc sáng tác, ông thành thật: “Với tôi, sáng tác giống như chơi ô chữ. Nếu mình giỏi thơ, đọc sách nhiều, nắm được vốn từ vựng phong phú và có được trái tim biết thổn thức thì viết bài hát rất dễ dàng. Thế nhưng, bài hát đó không chân thật, không phải cảm xúc thật của nhạc sĩ, cảm xúc ấy chỉ để kiếm tiền. Tôi lại không nghĩ tới việc kiếm tiền bằng cách đó. Đơn giản, tiếng đàn đánh ra phải phát xuất từ rung động của trái tim, chớ không phải bằng kỹ thuật. Sáng tác ca khúc cũng vậy”.
Có thể nói, nhạc sĩ Hữu Thạnh coi trọng sự chân thật đến mức nghiêm cẩn. Ví như, nhạc phẩm Sương khói (Tình lãng tử) được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện, thế nhưng, nhắc đến đứa con tinh thần này, ông lại thẹn thùng: “Bài bịa trăm phần trăm nên mắc cỡ lắm”. Với ông, sáng tác phải dựa trên câu chuyện thật, tâm tình thật và rung động thật. Mà cái gì thật từ bản ngã bao giờ cũng khó nhận được sự đồng điệu từ số đông.
Ngoài sáng tác, chơi nhạc, thời gian dài làm công tác biên tập cũng mang đến cho ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông nhớ: “Khi làm việc ở Vafaco, tôi nhận thấy nhiều nhạc sĩ như Khánh Băng, Vinh Sử, Hàn Châu, Đài Phương… có hoàn cảnh sống quá vất vả. Tôi nghĩ ra việc mời các nhạc sĩ sáng tác lời mới trên nền nhạc cũ cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống tươi sáng, tình yêu quê hương, đôi lứa... Từ đây, dòng “nhạc vàng” sống dậy, các nhạc sĩ này cũng có tiền để trang trải cuộc sống. Một trong những nhạc sĩ làm cầu nối tuyệt vời cho tôi với các nhạc sĩ Bolero thời điểm đó là nhạc sĩ Dzoãn Bình. Anh đã đến từng nhà nhạc sĩ: Khánh Băng, Hàn Châu, Đài Phương Trang, Vinh Sử, Bắc Sơn... mời họ gặp gỡ bàn chuyện sáng tác trở lại”.
Hiện nay, nhạc sĩ Hữu Thạnh vẫn làm việc tại studio với công việc yêu thích là hòa âm và sáng tác. Thời gian trống, ông dạy guitar, hòa âm và sản xuất âm nhạc trên máy tính cho các nhạc sinh trẻ tại trường âm nhạc MPU và tại studio. Thỉnh thoảng, ông cùng chơi nhạc với bạn bè tại các club trong thành phố với thể loại Pop và Blues. Hiện tại, ông tiếp tục nghiên cứu và học hỏi các nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc khắp miền đất nước với ước mơ giải mã những bí ẩn, quyến rũ trong văn hóa các dân tộc qua âm nhạc, đời sống hàng ngày của họ.