Những khó khăn, bất cập của 'đi chợ hộ' ở TP.HCM

28/08/2021 00:46

Các siêu thị, quận huyện ở TP.HCM cho biết đang có tình trạng quá tải, không có nhân lực để xử lý và giao hàng trong khi nhu cầu thực phẩm của người dân ngày một tăng.

Lo lắng chạy ra cửa hàng thực phẩm gần nhà, chị Trang (phường 25, quận Bình Thạnh) không biết làm cách nào để đặt mua khi chưa nhận được hướng dẫn từ tổ dân phố. "Siêu thị họ không bán vì yêu cầu của cơ quan chức năng. Nhà cạn kiệt thực phẩm, không muốn ra đường nhưng không còn cách nào khác", chị than.

Tương tự, chị T. (phường 6, quận Bình Thạnh) phản ánh nhà chị rất gần cửa hàng Bách Hóa Xanh ngay đầu quận Phú Nhuận nhưng siêu thị không thể giao hàng tới do quy định phải đặt qua tổ trưởng tổ dân phố. Tuy nhiên khi chị liên lạc hay nhắn tin tới chính quyền địa phương đều trong tình trạng tắt máy, không trả lời.

Thực tế hiện nay, nhu cầu mua sắm của người dân bắt đầu tăng mạnh, trong khi lượng nhân viên siêu thị, phường, xã hạn chế đã khiến hệ thống đi chợ hộ liên tục bị gián đoạn.

nhung bat cap cua di cho ho anh 1

Các chiến sĩ đi chợ hộ người dân ở Co.opmart Chu Văn An ngày 24/8. Ảnh: Phương Lâm.

40.000 đơn "đi chợ hộ" chỉ giao được 2.000

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết hiện nay nhiều cửa hàng đang bị quá tải đơn hàng. "Ngày 25/8, chúng tôi nhận được 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn. Đến ngày 26/8, phía siêu thị đã nỗ lực giao được 40.000 đơn", đại diện này cho hay.

Hơn nữa, nhiều phường cũng không đủ lực lượng để đi giao hàng. Chẳng hạn, một phường nhận 700 đơn hàng nhưng chỉ có 9 người thì không thể giao hết được trong ngày. Ngoài ra, một số phường đến nay vẫn chưa liên lạc với siêu thị để triển khai phương án "đi chợ hộ" giúp người dân.

Bên cạnh đó, đại diện này cho biết hiện siêu thị cũng rất bị động trong khâu giao hàng. "Có nơi chính quyền cho đi giao, có nơi lại không trong khi nhu cầu quá lớn. Mọi thứ đảo lộn 100%, chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn cách vận hành", đại diện Bách Hóa Xanh bày tỏ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce, đại diện Vinmart - cũng cho biết đến sáng ngày 26/8, khoảng 30% nhân viên của siêu thị đã được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, với số lượng hàng nghìn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng nhân viên được cấp giấy còn quá nhỏ để đáp ứng.

nhung bat cap cua di cho ho anh 2

Người đi chợ hộ kiểm tra hàng hóa ở Co.opmart Nguyễn Kiệm 27/8. Nhiều siêu thị cho biết số nhân viên hạn chế nên rất khó để đáp ứng đủ nhu cầu tăng vọt của người dân. Ảnh: Phương Lâm.

"Bên cạnh đó, có tình trạng xe tải chở hàng hóa thiết yếu của VinMart, VinMart+ không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TP.HCM. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng gặp khó khăn", bà cho hay.

Đại diện nhiều siêu thị cũng cho biết đang gặp một số khó khăn khi làm việc với địa phương.

"Hiện nay, phường là cầu nối trung gian giữa siêu thị và người dân nhưng nhiều nơi nhân lực mỏng, quá tải trong khi có hàng nghìn đơn mỗi ngày. Chưa kể, lực lượng công an, bộ đội đến mua hàng lại lúng túng trong khâu lựa chọn hàng hóa", đại diện một siêu thị cho biết.

Mong được đặt mua trực tiếp, phường giao hàng

Gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc được với cơ quan chức năng của phường để đặt mua thực phẩm, nhiều người dân mong muốn được hệ trực tiếp với siêu thị để đặt mua thực phẩm

"Thiết nghĩ, chính quyền cần cho người dân đặt hàng online trực tiếp từ kênh siêu thị không cần qua phường và các lực lượng công an, bộ đội, hội phụ nữ tổ dân phố, phường sẽ đến nhận từ siêu thị và chuyển thẳng đến nhà dân. Như vậy sẽ nhanh chóng, hợp lý tránh quá tải", chị Quyên (phường 12, quận Bình Thạnh) đề xuất.

Ngoài ra, một số người dân cho rằng nên tổ chức thêm hệ thống cung cấp, bán hàng lưu động, mở điểm cung cấp trực tiếp ở các địa phương.

Đại diện Bách Hóa Xanh cũng đề xuất được tăng nhân sự làm việc, đặc biệt bổ sung nhân lực giao hàng. Hiện Sở Công Thương TP.HCM đã tăng cường cho hệ thống siêu thị lên 30% nhân lực nhưng vẫn chưa đủ so với đơn đặt hàng tăng nhanh của người dân.

"Do đó, Bách Hóa Xanh mong muốn được tăng cường thêm giấy đi đường cho nhân viên giao hàng của siêu thị. Nếu không, chính quyền cần phải tăng lực lượng hỗ trợ để giao hàng kịp thời đến người dân", đại diện Bách Hóa Xanh cho hay.

nhung bat cap cua di cho ho anh 3

Đa số người dân đều mong muốn được đặt hàng online trực tiếp siêu thị, mở thêm xe bán hàng lưu động. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, một siêu thị khác cho rằng giấy đi đường cần cấp đủ cho số lượng nhân viên siêu thị vì có tình trạng nhân viên bị F0, phải cách ly. Đồng thời, số lượng nhân viên siêu thị cần được tăng ở mức 80% số lượng mới đảm bảo được cung ứng kịp hàng hoá cho khách.

Theo đại diện này, giấy đi đường không cần thiết phải in ra, thay vào đó có thể số hóa tích hợp vào căn cước công dân. Bộ phận canh chốt có thẻ quét mã QR trên thẻ căn cước công dân là biết được người đó được cấp giấy đi đường hay không. "Như vậy người dân sẽ không mất thời gian tụ tập xin giấy, nguy cơ lây nhiễm cao", đại diện siêu thị này cho hay.

Vấn đề bây giờ là không phải lo sợ nguồn cung hàng không đủ, mà cung ứng phân phối ra sao cho người dân khi đơn hàng tăng vọt.

"Dân cư trong 8 quận vùng đỏ đều mong muốn được đặt hàng online cá nhân vì combo rất khó mua do không phải món nào trong combo người ta cũng cần. Cán bộ phường và bộ đội sẽ hỗ trợ đến siêu thị lấy hàng mang về cho người dân", đại diện siêu thị này đề xuất.

Theo: Zing

Bạn đang đọc bài viết "Những khó khăn, bất cập của 'đi chợ hộ' ở TP.HCM" tại chuyên mục Nghệ sĩ.
098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ