Kỳ 1: “Còn sống, ba tôi dốc lòng cho sân khấu, nhưng khi hấp hối cũng chính sân khấu xua đuổi ông”
9 năm được ba cưng chiều, NSND Kim Cương đã quen thuộc với sự chở che của ba. Cho nên, từ lúc ông mất, thế giới êm đềm của cô bé Kim Cương chợt đóng lại. Bà tự nhắc phải gai góc lên, để đón chờ những giông bão sắp tới.
Viên ngọc quý của ông bầu Phước Cương
Năm 1937, nghệ sĩ Bảy Nam – vợ của Nguyễn Ngọc Cương, ông bầu gánh hát Đại Phước Cương – mang thai NSND Kim Cương. Thời điểm này, đoàn cải lương Đại Phước Cương đang là một “đại bang”, quy tụ nhiều đào kép có tên tuổi như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Ba Vân…
Có một chuyện vui về cái tên Kim Cương khiến nữ nghệ sĩ nhớ mãi, bà kể: “Lúc mẹ mang thai tôi, một lần đoàn đi diễn ở Đà Nẵng, mọi người cùng tham gia một bữa tiệc. Ăn đến món hàu, khi trên dĩa còn đúng 1 con hàu, ai cũng nhường và bảo mẹ tôi ăn để tẩm bổ. Lúc tách con hàu ra, mẹ tôi thấy có một viên ngọc long lanh. Ba má tôi cho đó là điềm may mắn, nên bàn nhau nếu sinh con đầu lòng là con gái thì đặt tên Kim Cương”.
Bà cũng nhớ: “Thời điểm đó, mẹ tôi bỗng nhiên hát hay hơn nên ai cũng nói “đứa bé sinh ra chắc phải hát hay lắm”. Nhưng, má tôi không nghĩ vậy, má nghĩ xuất phát từ sức sống dồi dào và niềm hạnh phúc lần đầu làm mẹ khiến bà thăng hoa trong công việc”.
Gần ngày sinh, bà Bảy Nam một mình khăn gói ra Huế để chuẩn bị sinh con. Đúng vào thời điểm cả kinh đô Huế treo đèn kết hoa mừng ngày đầy năm của hoàng tử Bảo Long thì Kim Cương chào đời. “Má thích thú ngắm tôi và hài lòng khi thấy tôi không xinh đẹp. Má thích nước da bánh mật, đôi mắt giống cha, dáng điệu như một bé trai… của tôi. Tôi hiểu vì sao má mừng như vậy, bởi má sợ số phận những cô đào có sắc sẽ bám lấy đời tôi. Thấy tôi ngoại hình không nổi trội, má tin tôi sẽ có cuộc sống bình dị, mạnh mẽ và hạnh phúc”, nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ.
Sáu ngày sau khi nữ nghệ sĩ chào đời, ba của bà mới hội ngộ với hai mẹ con tại Huế. Ôm con trên tay, ông bầu lừng danh đặt tên Kim Cương cho con gái. Sau đó, có lệnh đoàn hát phải vào Duyệt Thị Đường (nhà hát dành cho vua chúa, có từ đời vua Minh Mạng) diễn tuồng Quan Âm Thị Kính. “Thế là 18 ngày tuổi, tôi đã lên sân khấu. Những lần tập tuồng, ba không cho bồng tôi ra tập thử. Ba nói: “Đêm diễn đầu đời của con tôi là phải diễn cho vua chúa coi”. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ và từ đêm ấy, cuộc đời tôi đã được định sẵn”, NSND Kim Cương nhớ lại.
Nghệ sĩ Kim Cương nói: “Mỗi lần tôi ra sân khấu, ba đều tán thưởng. Sau mỗi đêm diễn, ba đều ôm hôn tôi. Đối với ba, tôi thực sự là một viên kim cương quý báu, khó gì sánh được. Hơn 40 tuổi, ba mới có đứa con đầu lòng nên ông rất cưng tôi. Tất cả đồ dùng của ba đều thêu hay khắc hai chữ “KC””.
Hạnh phúc đơn sơ của nữ nghệ sĩ còn là những đêm nằm trọn trong lòng ba, miệng nhai bánh, mắt nhìn sao trời, tai lắng nghe tiếng đờn của các chú bác trong đoàn. Bà thích thú, mơ màng đi vào giấc ngủ. Tất cả như một giấc mơ cổ tích mà bất cứ đứa trẻ nào cũng ước mơ. Nhưng, để có một “kỳ nữ”, cuộc đời phải gieo cho bà những thử thách. Đau đớn thay, thử thách đầu đời lại là mất đi người babà luôn yêu quý, người mà tất cả vật thể vô hình lẫn hữu hình đều không thể lấp đầy.
Đêm trắng nhìn cha trong rạp Thất Ngàn
Khi 9 tuổi, vào một đêm tối, ngồi trong chiếc xe ngựa cùng ba má, nhưng Kim Cương thấy sợ đến lạ lùng. Nằm trên chiếc võng treo trên xe ngựa, ba của bà đang gắng gượng từng hơi thở. Bà không biết đang cùng ba má đi về đâu, chỉ mơ hồ nhận ra con đường về Phan Thiết, nơi mà nửa tháng trước, đoàn hát của bà được hàng ngàn người hâm mộ đến ủng hộ.
Thế nhưng, lần này, thành phố không hiện ra háo hức nữa, nó buồn đến lạ và dần hiện ra một cách mông lung. Rạp Thất Ngàn trơ lạnh, cửa đóng im lìm sau ngày đoàn của ba tôi biểu diễn. Chiếc xe ngựa dừng lại trước rạp hát, nghệ sĩ Bảy Nam nhảy xuống và bước vội vào rạp hát. “Lát sau, má tôi đi ra và kêu tôi bước xuống. Tôi biết bà vừa đi năn nỉ người gác rạp cho chúng tôi tá túc qua đêm”, bà nhớ lại.
Ông gác rạp đỡ ông bầu Cương nằm xuống chiếc chiếu trải ở một góc sân khấu của rạp hát. Ông phân bua với bà Bảy Nam rằng, ông thương ba tôi nhưng sợ ông chủ rạp đến la mắng vì để người sắp chết tá túc trong rạp. Nghe ông nói, mẹ con nghệ sĩ Kim Cương chỉ biết nhìn chằm chằm vào chiếc chiếu ông bầu Cương đang nằm. Sau cơn vật vã, ông bầu Cương nằm mê man. Lúc này, hai mẹ con nữ nghệ sĩ mới chợt nhớ mình chưa ăn gì, nhưng có lẽ cũng chẳng ăn nổi nữa.
Nghệ sĩ Kim Cương kể, người gác rạp vuốt tóc bà. Cử chỉ ấy khiến bà muốn bật khóc. Thế nhưng, bà không thể khóc, bà ngồi im, tựa cằm lên hai đầu gối, mắt nhìn vào những đồ vật chìm trong ánh đèn leo lét của rạp hát. Má của bà thiếp đi bên cạnh chồng. Ông gác của cũng ngủ. Chỉ còn Kim Cương ngồi bó gối rồi mường tượng đến những bất trắc sắp ập đến với gia đình.
“Đang ngồi với những hồi tưởng mông lung, tôi chợt nhận ra có gì đó khác lạ trên khuôn mặt của ba. Tôi hoảng hốt khi thấy mắt ba mở nhưng không bình thường. Ông thở hổn hển, khó nhọc. Tôi bất giác gọi lớn: “Ba ơi, ba!”. Má tôi giật mình bật dậy cũng thảng thốt không kém tôi. Người ba tôi lạnh lắm. Tôi cố áp tay ba lên má mình để truyền hơi ấm cho ông. Tôi sợ, tôi chưa bao giờ sợ như thế. Tôi quay sang hỏi má: “Sao vậy má?”. Má không trả lời. Bà chỉ lẳng lặng thoa dầu, chà xát tay chân cho ba tôi”, nghệ sĩ Kim Cương chia sẻ.
Hai mẹ con bà cứ loay hoay bên ba như vậy cho đến sáng và ông chủ rạp hát đến. Ông này yêu cầu bà Bảy Nam đưa chồng ra khỏi rạp hát. Ông ta dửng dưng, mặc cho bà Bảy Nam van nài, chắp tay cầu xin.
“Má tôi chết lặng khi ông ấy nhất quyết không cho chúng tôi ở lại. Má quỳ, người bất động, dòng nước mắt chảy ra lặng lẽ. Còn ông chủ rạp, ông ta căn dặn người gác rạp điều gì đó rồi bỏ đi. Đang lúc bế tắc, một người đàn ông tiến tới chỗ má tôi đang quỳ. Ông ta hoảng hốt, nói đi tìm chúng tôi khắp nơi. Ông còn bảo, một người như cha tôi không thể chết trong một góc rạp bẩn thỉu. Sau đó, ông đưa chúng tôi vào chùa chăm sóc”, nữ nghệ sĩ nhắc đến ân nhân trong sự xúc động.
Không lâu sau đó, ba của nữ nghệ sĩ qua đời tại chùa Phật học Phan Thiết. Khi đó, bà lên 9 tuổi, em gái của bà mới lên 3, em trai vừa chập chững. “Không ngờ những ngày cuối đời của ba tôi lại chua chát đến vậy. Còn sống, ba tôi dốc lòng cho sân khấu nhưng khi hấp hối, cũng chính sân khấu xua đuổi ông. Đến bây giờ, mỗi lần đi qua Phan Thiết, tôi đều bàng hoàng xúc động, không quên được ký ức thê lương ngày đó”, bà nghẹn ngào chia sẻ.
NSND Kim Cương nói, nếu ba của bà còn sống, có lẽ bà sẽ sống trong sự bình yên, mọi thứ được trải thảm,nhưng chắc không có một Kim Cương bản lĩnh. Nhưng đó là giả định, bà chỉ biết, không có ba, cuộc đời mẹ con bà phải liên tục đối diện với giông tố.
NSND Kim Cương có nhiều đóng góp lớn cho ngành sân khấu
Nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Bà được biết đến với danh hiệu “kỳ nữ” với vai diễn Giai nhân và Ác quỷ.
Năm 1956, bà là người tiên phong sáng lập một trong những đoàn kịch nói đầu tiên của Sài Gòn (đoàn kịch Kim Cương). Đồng thời, bà là đạo diễn sân khấu của 70 vở kịch nổi tiếng như Lá sầu riêng, Trà hoa nữ…
Trước năm 1975, bà là tác giả của những bộ phim nhựa đình đám, có chuyên mục kịch trên truyền hình, giữ một trang trả lời thư bạn đọc trên báo Điện Tín.
Bà luôn tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Hiện bà là Phó Chủ tịch thứ nhất hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM, Thường vụ ban Chấp hành hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM
Các giải thưởng đã đạt được: Nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất (năm 1973), Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh châu Á (năm 1974), Kỷ lục Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba (2004), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009), Danh hiệu NSND (2012)…