Vì sao phát ngôn của Trấn Thành về nữ quyền ở Rap Việt gây tranh cãi

18/11/2020 21:59

Bình luận của MC Trấn Thành về màn biểu diễn của bộ đôi rapper TLinh - Suboi trở thành chủ đề gây tranh cãi khi hàm chứa thông điệp phiến diện về nữ quyền.

 

Ngày 14/11, TLinh - Suboi, hai nữ rapper duy nhất góp mặt tại vòng chung kết Rap Việt, đã dành tiết mục Tèn Tèn Girls để tôn vinh nữ giới trong xã hội nói chung và cộng đồng nữ rapper nói riêng.

Phần trình diễn của bộ đôi nhận về "cơn mưa lời khen" từ phía HLV và đông đảo khán giả. MC Trấn Thành cũng không tiếc lời thán phục, ví Tèn Tèn Girls với siêu phẩm nữ quyền Run the World của Beyoncé.

"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền", nam MC bình luận sau màn biểu diễn của hai nữ rapper.

 

Bình luận của MC Trấn Thành sau phần biểu diễn của TLinh - Suboi gây nhiều tranh cãi.

Lời bình của Trấn Thành nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng phát ngôn trên truyền tải quan điểm phiến diện về nữ quyền, ám chỉ phụ nữ phải "tự tin, hay ho" mới được xã hội công nhận.

Chính Suboi cũng cho rằng "anh Trấn Thành là người có suy nghĩ cũ, không quá cởi mở với suy nghĩ mới bây giờ".

"Tôi thấy câu nói của anh Trấn Thành không hợp lý. Tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng những người phụ nữ mạnh mẽ không có nghĩa là họ muốn tranh giành với đàn ông", Suboi nói.

Cũng nói về chủ đề này, Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE) bình luận: "Câu nói của Trấn Thành, tuy là một lời khen và ủng hộ hết mình với những nữ rapper, lại vô tình khiến chúng ta tự hỏi: Vậy nữ quyền chỉ phù hợp, xứng đáng với một số thành phần nữ nhất định? Với những người nữ có một số tính cách, khả năng khác thì sao?".

Phụ nữ tự tin, hay ho mới được công nhận?

Vài năm gần đây, phong trào nữ quyền lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Sức ảnh hưởng của làn sóng này từng khiến CNN khẳng định "2018 là năm của nữ giới", đưa "feminism" (nữ quyền) trở thành "Từ của năm" do từ điển nổi tiếng nước Mỹ Merriam-Webster lựa chọn.

Theo từ điển Cambridge, nữ quyền là trạng thái nữ giới được trao các quyền lợi, cơ hội và được đối xử theo cùng một cách với nam giới. Còn từ điển Oxford định nghĩa khái niệm trên là sự ủng hộ quyền phụ nữ trên cơ sở bình đẳng giới.

Dù được đề cập với mật độ dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, khái niệm nữ quyền thường bị hiểu sai, hiểu sót.

Dưới các bài đăng về chủ đề bình đẳng giới trên mạng xã hội, nhiều ý kiến lầm tưởng rằng phong trào nữ quyền là xu hướng bài xích nam giới, đòi hỏi quyền lợi.

Hai nữ rapper duy nhất góp mặt trong vòng chung kết Rap Việt khẳng định sức mạnh phái nữ và tính nữ trong cộng đồng hiphop.

Thực tế, phong trào nữ quyền thực chất là cơ hội để phái nữ bứt phá khỏi định kiến, lên tiếng đấu tranh cho những quyền lợi cơ bản của mình. Họ được quyền lựa chọn cuộc sống của bản thân, được thỏa sức thể hiện những góc độ khác nhau mà không bị bó hẹp trong một số hình tượng nhất định.

"Đòi hỏi nữ quyền không phải do ghét đàn ông. Ngược lại, từ đó tới nay, những người ghét tôi, chỉ trích tôi toàn là đàn ông", Suboi khẳng định.

Nữ rapper khẳng định phụ nữ mạnh mẽ không đồng nghĩa muốn tranh giành với đàn ông và mọi tính nữ đều cần được công nhận. Nói cách khác, phụ nữ không cần phải "tự tin, hay ho" để được xã hội ủng hộ như lời bình của MC Trấn Thành.

"Đi đòi" nữ quyền

Tại Mỹ, các tổ chức xã hội vì nữ giới mất hơn 70 năm (1848-1920) để đấu tranh, giành lấy một vài quyền cơ bản như bình đẳng cho phụ nữ da màu, thay đổi điều kiện sống, cải thiện mức lương, cơ hội bầu cử... Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tiếp diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung, "trọng nam khinh nữ" vẫn là định kiến phổ biến. Phái đẹp thường được kỳ vọng phải đáp ứng những khuôn mẫu truyền thống, tránh thể hiện cá tính riêng.

"Mẹ mình từng khuyên mình không cần học lên thạc sĩ, nên bớt cầu toàn và tham vọng nếu không sẽ khó lấy chồng. Hàng xóm cũng nhiều lần bàn tán, chê trách mình ăn mặc cứng nhắc 'như đàn ông', không nền nã như các bạn gái khác", Minh Anh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Zing.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2019, nam giới là nhóm nhân lực chính của thị trường Việt Nam, chiếm 50% cơ cấu lao động theo giới tính. Dù chiếm tỷ lệ không nhỏ, lao động nữ lại là đối tượng có khả năng thất nghiệp cao do hạn chế về sức khỏe, vai trò gia đình và xã hội.

Ví dụ, cơ hội thăng tiến hay tìm được việc làm phù hợp của chị em sau khi sinh là khá thấp. "Vài đồng nghiệp của mình gặp khó khăn để bắt nhịp công việc sau khi nghỉ sinh. Họ bị đánh giá là 'có hiệu suất công việc thấp' khi mang thai và chăm con nhỏ", Trang Anh (24 tuổi, Hà Nội), chuyên viên tài chính, nói.

Không chỉ lo toan "cơm áo gạo tiền", phụ nữ còn được kỳ vọng đảm nhận trách nhiệm vun vén gia đình. Vì vậy, dù mức lương tương đương, nữ giới thực chất phải thực hiện nhiều công việc, chịu đựng nhiều áp lực hơn.

"Việc trọng nam khinh nữ từ lâu ở Việt Nam đã để lại những chuyện như đàn ông gia trưởng, luôn muốn phụ nữ phải im lặng và đứng đằng sau. Nếu cô ấy có ước mơ nào đó, cô ấy phải từ bỏ để được coi là phẩm hạnh tốt đẹp, để chu toàn cho gia đình. Nói chung họ có tư tưởng phụ nữ sinh ra là để sống cho người khác chứ không được sống cho mình. Điều này còn ảnh hưởng tới bây giờ", Suboi nói.

Phụ nữ châu Á và Việt Nam vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng của định kiến "trọng nam khinh nữ".

Đồng thời, họ cũng là nạn nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình, bạo hành tình dục, buôn người... Vì nỗi xấu hổ và sợ bị kỳ thị, phái yếu buộc phải giữ im lặng, chịu đựng nỗi đau về phần mình.

"Bạo lực với phụ nữ là hiện tượng phổ biến nhưng vẫn bị giấu giếm nhiều. Nhiều cô gái thậm chí nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều 'bình thường' và trách nhiệm của phụ nữ là bao dung, nhẫn nhịn để gìn giữ hạnh phúc gia đình", Henrica A.F.M. Jansen, trưởng nhóm Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình với phụ nữ Việt Nam, phát biểu.

Phong trào nữ quyền là làn sóng thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ trên mọi khía cạnh, giải phóng phụ nữ khỏi định kiến xã hội. Dù quyền cho phụ nữ đã có những thay đổi đáng kể, song chặng đường phát triển của nữ quyền tại Việt Nam vẫn còn dài phía trước.

"Đến khi nào chúng ta không còn nhìn nhận những tính nữ là 'phái yếu', đến khi những người phụ nữ không còn phải gồng gánh quên thân để chứng tỏ mình xứng đáng với sự chấp nhận và tôn trọng, chúng ta mới thật sự có 'quyền nữ'", VOGE bày tỏ.

Trang Minh
098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ