Xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

17/08/2021 14:20

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo lý giải của bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hiện nay, các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm, sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp cũng đã tiếp tục suy giảm.

Chính vì vậy, Bộ này nhìn nhận, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất - kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động do tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Ban đầu, kế hoạch là sẽ chỉ xây dựng một nghị quyết chung. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các vấn đề hỗ trợ trước mắt và dài hạn nếu để chung vào một Nghị quyết thì chưa phù hợp, khó thể hiện được tính cấp bách, kịp thời của các chính sách, giải pháp cần thực hiện ngay.

Do đó, Bộ đã điều chỉnh theo hướng trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết riêng, gồm: Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Theo đó, Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP, bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9/2021 theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2021.

Trong khi đó, Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được dự thảo và đang được đưa ra lấy ý kiến công luận, các bộ ngành, địa phương.

Mục tiêu của Nghị quyết, đó là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Kinh tế vĩ mô - Xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 (Hình 2).

Dự thảo Nghị quyết lần này đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Các mục tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra. Chẳng hạn, phấn đấu đến hết năm 2021, luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động…

Bên cạnh đó, là hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, theo bộ Kế hoạch và Đầu tư, được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả và dự kiến thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khoá đến tháng 6 năm 2021 của các bộ, ngành liên quan; dự báo khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và khả năng hồi phục của doanh nghiệp khi tổ chức thực hiện tốt các chính sách, giải pháp hỗ trợ tại Nghị quyết này.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19, Dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. 

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ