Bất kể ai cũng ngạc nhiên khi gặp nhà thơ Ngọc Lê Ninh ngoài cuộc sống hiện tại. Ngoài sự thâm trầm, sâu lắng, trải nghiệm của độ tuổi đi qua một nửa đời người, một tiến sĩ khoa học kỹ thuật, anh còn là một người khoáng đạt, hoạt bát, vui nhộn, lạc quan, dí dỏm, luôn tươi cười, thậm chí ngộ nghĩnh như một "đứa trẻ".
Đúng như lời anh nói: "Tâm hồn tôi bao năm không già đi một chút nào, lúc thì như đứa trẻ, lúc như chàng thanh niên mới lớn, đang yêu". Quả đúng là như vậy! Một cảm giác rất thoải mái, thú vị, vui và ấn tượng! Có lẽ cũng phải như vậy thì anh mới cân bằng được cuộc sống của mình khi vừa nghiên cứu khoa học vừa sáng tác thơ ca.
Thơ là tiếng lòng, là sự rung ngân tinh tế, thẳm sâu của tâm hồn, Thơ chính là cuộc đời! Trong thơ của thi sĩ Ngọc Lê Ninh, chúng ta thấy đó là một bức tranh đa dạng thể loại, cấu tứ, với những gam sắc màu tươi sáng, mới, độc và lạ.
Trong thơ có nhịp điệu, có tính nhạc, chính vì thế mà lần lượt 21 ca khúc hay đã được nhạc sĩ tên tuổi Trần Ngọc, Hoàng Anh Tú, Trần Tựa và chính tác giả cho ra đời, với những ca sĩ sao mai hàng đầu Việt Nam thể hiện như: Anh Thơ, Xuân Hảo, Lương Hải Yến, Hiền Anh, Phương Thuỷ, Quỳnh Anh, Thanh Quý....
Á hậu Miss U30 Hoàng Thị Trang Viên |
Nhiều bài thơ của anh lấp lánh lý tưởng cao đẹp ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc, gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời (Hồn thiên tạo, Hồn sa mạc, Thơ mộng mị, Hai chiều tổ quốc…), nhiều khi là tâm tư trĩu nặng, thương xót, vật vã, đau đớn trước cảnh đời, cảnh người, môi trường, vạn vật đổi thay (Thơ mở cửa và Thơ mất ngủ), đôi lúc lại đấu tranh, chất vấn với chính nội tâm con người mình (Hạt mưa thầm, Hồn con số…).
Bên cạnh đó, trong thơ Ngọc Lê Ninh, chúng ta lại thấy một tâm hồn trong trẻo, tha thiết yêu nghề, yêu cuộc đời (Thầy giáo, Tình quặng). Đặc biệt chúng ta thấy thi sĩ viết rất nhiều về chủ đề tình yêu. Từ thời là sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất anh đã được mời đến các trường để đọc và giao lưu thơ.
Những bài thơ tình của anh ngày ấy được các lớp sinh viên, các trường học thuộc, truyền tai nhau và làm "tài liệu" gối đầu giường (Con đê và dòng sông, Cứ yêu đừng ngại, Trái tim con sóng, Tình chay, Đêm thứ 3, Đèn tình, Nỗi nhớ lăn tròn...).
Vô tình gần đây, tôi đã đọc được bài thơ "Guốc tình thời Corona" của anh đăng trên trang Facebook cá nhân. Tôi cười rất nhiều vì thích thú và phục tài của anh trong việc lao động, tìm tòi, khám phá con chữ. Nó ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, đáng yêu như chính con người anh vậy.
Này em!
Nếu anh dội gáo nước sôi vào quá khứ đời em
thì ngàn ngàn con sâu tình dối gian sẽ bò ra than khóc.
Nếu anh hun khói vào hiện tại đời em
thì triều triệu con chuột tình vụng trộm xấu xa sẽ chạy ra lạy quỳ lăn lóc.
Nếu anh tiêm vắc-xin đặc chủng vào tương lai đời em
thì ti tỷ tên Corona, siêu vi tình khủng khiếp sẽ lăn quay giãy chết.
Đừng giải thích làm chi cho mệt!
Vì lâu nay anh đi guốc trong em
Các mảng sắc màu, trắng - đen, khuyết - nổi, cứng - mềm...
Thôi! Thôi em! Thanh minh là tự diệt
Tốt nhất để bảo vệ hạnh phúc tình yêu bền lâu êm đẹp
Mình cưới nhau luôn!
Có thể nói đây là một sự khám phá rất mới trong thơ, nó thật sự độc và lạ! "Dội gáo nước sôi" là thực thể thực tế, người ta liên tưởng đến những việc hết sức đời thường trong sinh hoạt nhưng nhà thơ lại "Dội vào quá khứ đời em" thì chao ôi tâm hồn em bị "bỏng" mất rồi!
Người đọc đang không hiểu nhà thơ yêu kiểu gì mà "hiểm ác" thế? Chưa kịp hiểu thì lại bị "hun khói vào hiện tại...". Chúng ta nhìn thấy những triều triệu, tên chuột tình vụng trộm bò ra... Từ "triều triệu" cũng rất thú vị, từ đó không có trong từ điển, khiến người đọc thấy thú vị, sung sướng!
Nhà thơ Ngọc Lê Ninh |
Chưa dừng ở sự thoả mãn, hả hê, mãn nhãn khi đã biết rõ mọi chuyện của cô gái, thi sĩ đã dùng tuyệt chiêu cuối cùng :
"... Tiêm vắc-xin đặc chủng vào tương lai của em
Thì ti tỉ tên Corona, tên siêu vi tình khủng khiếp lăn quay giãy chết"
Có lẽ phải dùng đến vác-xin đặc chủng thì mới yên tâm chăng?
Nhà thơ "điều tra" và "đột nhập" vào từng ngõ ngách tâm hồn, từng tế bào cơ thể, từng nơ-ron thần kinh để truy lùng đối thủ rồi tìm ra thuốc đặc trị: "Không cần phải giải thích thêm nhiều anh đã đi guốc trong em bấy lâu nay / nên muốn cho êm đẹp / Mình cưới nhau luôn!".
Thật buồn cười ở đây là tác giả đầy mâu thuẫn, có lời bình là "chặt, chém, bới móc tơi bời... rồi đòi cưới? Sao buồn cười thế? Đã có hai mệnh đề đặt ra nếu - thì. Thì ra là nhà thơ chỉ đang giả thuyết, đang đoán mò, để bắt nọn, tung hỏa mù, "dọa dẫm" đối phương thôi, mà cũng có thể là biết rất rõ?
Câu trả lời chỉ có tác giả biết. Còn tôi, tôi thấy ở đó là một tình yêu đẹp, cái kết vô cùng có hậu. Dù quá khứ em có như thế nào, anh bỏ qua hết, anh muốn lấy em làm vợ!
Những độc chiêu này trong tình yêu quả thật là xưa nay chưa từng có!
Người ta chỉ thấy những con sâu rau, sâu đục thân hay hàng ngàn vạn loại sâu khác thôi, chứ con "Sâu tình giả dối "hay" những con chuột tình xấu xa, siêu vi tình khủng khiếp... ". Có lẽ chỉ có nhà thơ Ngọc Lê Ninh mới phát hiện ra được. Anh đúng là một tâm hồn hài hước và độc đáo!
Bài "Guốc tình thời Corona" nghe thoạt qua chúng ta nghĩ đó là bài thơ hài hước nhưng nó mang một nội hàm rất lớn. Đang lúc cả thế giới phải cảnh giác, phòng tránh và chiến đấu với dịch cúm Covid-19, bài thơ như một tiếng chuông nhấn vào tâm thức của con người, ca ngợi về một tình yêu.
Nếu có một tình yêu đích thực thì đây sẽ là một trong cách phòng, chiến thắng được bệnh tật, như nhà khoa học người Đức đã nghiên cứu và phát hiện ra sự diệu kỳ của tình yêu trong chữa bệnh. Nhà thơ Ngọc Lê Ninh đã kê cho chúng ta một "đơn thuốc tiên" rất cần thiết cho lúc này.
Khi mà cái chết thật mong manh thì ta hay yêu thương nhau thật nhiều, sống trọn từng phút giây ý nghĩa bên nhau, để "Nhịp thương yêu quấy động cả thiên hà" (Chưa thể đặt tên).
Tài năng, tinh tế, sự lao động con chữ, lao động nghệ thuật và đặc biệt chất liệu thơ cũ mượn những hình ảnh thân thuộc nhưng tác giả rất táo bạo, thổi sự phá cách, mới lạ đã làm thơ của Lê Ngọc Ninh vô cùng ấn tượng và "sống" mấy thập kỷ qua.
Tôi biết nhà thơ Ngọc Lê Ninh đã đọc và ảnh hưởng rất lớn từ các nhà văn học nổi tiếng trên thế giới như: Puskin, Lecmontov, Henrich-Haino, Targo, Kaputian… và thơ anh tân tiến, đột phá mang hơi hướng của thế giới.
Với tôi người thi sĩ giỏi là người được phát huy hết những thế mạnh của mình, khám phá hết thế giới tâm thức của mình, của con người và vũ trụ, vượt qua khỏi cái giới hạn khuôn mẫu, giáo điều, cũ kỹ, không phù hợp, dám bộc lộ cảm xúc, bản thể, cái tôi rất thật của mình.
Tôi thích sự sáng tạo, sự táo bạo trong lao động con chữ của anh!