Những loại hình nào ở TP.HCM được hoạt động sau 0h ngày 15/6?

14/06/2021 19:59

Từ 0h ngày 15/6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố. Riêng một số loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu vẫn được hoạt động.

Tối 14/6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 15/6.

Theo đó, thành phố tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người.

TP cũng tiếp tục dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại nơi công cộng. Các loại hình đã được quy định tạm dừng trước đây vẫn tiếp tục ngừng hoạt động.

Riêng cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sau được phép hoạt động: nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu...); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chức, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Các cửa hàng tiện lịch được hoạt động nhưng không phục vụ quá 10 người trong một thời điểm, đảm bảo phòng, chống dịch.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về. Các cơ sở chế biến thức ăn gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cantin, bếp ăn tập thể được hoạt động nhưng phải tuân thủ hướng dẫn của Ban Quản lý An toàn thực phẩm.

Riêng với nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động, không phục vụ bia, rượu và các loại nước có cồn. Chỗ ngồi phải thông thoáng, bảo đảm khoảng cách giữa 2 người là từ 2 m trở lên, không phục vụ quá 10 người.

Với các hoạt động mang tính cấp thiết như hiến máu nhân đạo cần tiếp tục và áp dụng phòng, chống dịch. Với ngành y tế, UBND TP.HCM yêu cầu chủ động xây dựng phương án 5.000 ca nhiễm, sẵn sàng vật tư, trang thiết bị... TP.HCM phân công 7 bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 với 2.000 giường bệnh, 1.000 giường hồi sức, 1.000 máy thở, gồm: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Nhi đồng TP.HCM, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch. Ngành y tế cũng cần chuẩn bị thêm phương án 3.000 giường.

null
Người dân tại một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công vui mừng vì được giải tỏa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ 18/5 đến 14/6, thành phố ghi nhận 821 ca mắc Covid-19, dịch lan rộng ra 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Cụm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là chuỗi mới bùng phát tại TP.HCM. Cụm lây nhiễm này được phát hiện từ ngày 11/6 khi một nhân viên phòng Công nghệ thông tin được xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ.

Bệnh viện đã khẩn trương sàng lọc, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Đến nay, 55 nhân viên đã có kết quả dương tính.

Sáng 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), giảm từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Toàn thành phố vẫn giãn cách theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần tới.

Theo: Zingnews

098.510.5755 NHẬN BÁO GIÁ